Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm giáo dục quốc phòng Tây Nguyên: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho sinh viên

08:31, 21/05/2014
" Một tín hiệu đáng mừng là sau 3 năm bộ môn giáo dục kiến thức quốc phòng-an ninh trở thành môn học bắt buộc, nhận thức của sinh viên đối với môn học này đã có nhiều chuyển biến tích cực, các em không còn tư tưởng học để đối phó mà đã tự giác, nghiêm túc học tập, nhiều bạn còn tỏ ra rất hào hứng, thích thú. Điều đó được minh chứng qua kết quả học tập, huấn luyện hằng năm khi 100% quân số tham gia đều đạt yêu cầu, trong đó, tỷ lệ đạt khá, giỏi chiếm đến 70%” - Đại tá Nguyễn Thanh Bút, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục quốc phòng Tây Nguyên đánh giá như vậy về công tác giáo dục kiến thức quốc phòng-an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
 
Có mặt tại Trung tâm đúng vào dịp vừa khai giảng một khóa huấn luyện cho sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, chúng tôi cảm nhận được vẻ thích thú, hào hứng, xen lẫn chút bỡ ngỡ, lo lắng trên những gương mặt các tân sinh viên khi lần đầu các em được trải nghiệm, tập “làm chiến sĩ” trong một tháng tròn. Ấn tượng về ngày đầu tiên trong đời “quân ngũ” đối với bạn Nguyễn Ngọc Linh được bắt đầu từ chuyện tưởng chừng như rất quen thuộc với các bạn nữ: Tập sắp xếp nội vụ, gấp chăn màn gọn gàng, ngăn nắp. Chăm chú dõi theo từng động tác hướng dẫn của cán bộ huấn luyện từ đầu cho đến khi kết thúc, Linh cùng các bạn không dấu được vẻ ngạc nhiên, cùng đồng thanh ồ lên, bày tỏ sự thán phục khi lần đầu tiên chứng kiến một chiếc mền được xếp vuông vức, phẳng phiu, đẹp mắt đến thế. Sau đó lần lượt từng bạn nữ đã thực hành đi, thực hành lại cách gấp mùng, mền. Phải hơn 3 giờ “làm quen”, các em mới hoàn thành được một “sản phẩm” tương đối gọn gàng. “Cứ nghĩ việc xếp chăn, màn đơn giản như ở nhà nhưng không ngờ lại khó đến thế. Chúng em phải xếp đi, xếp lại tỉ mỉ nhiều lần mới được cán bộ hướng dẫn “tạm hài lòng” - bạn Nguyễn Ngọc Linh ngượng ngùng nói. Còn ở ngoài thao trường kỹ - chiến thuật điểm cao 491 ở xã Ea Kao, một đơn vị khác gồm những sinh viên đã “nhập ngũ” được hơn 2 tuần, hàng ngũ thẳng thắn, trang phục chỉnh tề đang nghiêm túc tập luyện chiến thuật, bài “Tiểu đội bộ binh đánh chiếm mục tiêu”. “Đây là một trong những nội dung khó, vì vậy chúng em ai cũng phải hết sức tập trung, quan sát kỹ tiểu đội trưởng làm mẫu để có thể thực hành cho thật chuẩn xác, như vậy mới đạt kết qủa cao nhất khi kiểm tra” - bạn Nguyễn Thanh Việt cho biết.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên  tập luyện bài chiến thuật Tiểu đội bộ binh đánh chiếm mục tiêu.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tập luyện bài chiến thuật Tiểu đội bộ binh đánh chiếm mục tiêu.

Từ năm 2011, môn Giáo dục quốc phòng-an ninh trở thành môn học chính khóa trong các trường cao đẳng, đại học. Có thể nói đây là một trong những môn học khá “khô cứng” - như nhận xét của nhiều sinh viên khi mới tiếp xúc lần đầu. Chính vì vậy làm thế nào để khơi gợi, tạo niềm say mê, hào hứng cho sinh viên trong quá trình học tập là câu hỏi luôn được cán bộ giảng dạy ở trung tâm trăn trở, tìm phương pháp khắc phục. Theo đó, song song với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giảng đường, ký túc xá khang trang, cán bộ trung tâm đã đầu tư tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng môi trường học tập, huấn luyện phù hợp với tính chất, đặc điểm môn học và tâm lý của sinh viên. Với phương châm “Lấy người học làm trung tâm”, toàn bộ giáo án của giảng viên đều được xây dựng bằng “Bài giảng điện tử” kết hợp với các phần mềm giảng dạy của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Để tạo sự hấp dẫn, tránh cảm giác nhàm chán, “ru ngủ” trong quá trình học tập lý thuyết chính trị, cán bộ giảng dạy đã lồng ghép, trình chiếu phim ảnh, tài liệu minh họa những nội dung liên quan; đồng thời kết hợp giữa phương pháp thuyết trình, diễn giải với phương pháp hỏi-đáp-trao đổi nhằm phát huy tính năng động, chủ động của người học. Trong suốt thời gian 1 tháng “cắm trại”, học tập trung tại trung tâm, sinh viên còn được rèn luyện tính tổ chức kỷ luật, tinh thần đồng đội, xây dựng tác phong sinh hoạt nền nếp chính quy, chuyên nghiệp, có thể nói gần như là một quân nhân thực thụ. “Sau một tháng được học tập tại Trung tâm, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy, chúng em đã được trang bị khá đầy đủ những kiến thức về quốc phòng-quân sự, thuần thục nhiều kỹ năng quân sự cần thiết; biết sử dụng thành thạo một số loại vũ khí bộ binh…. Đặc biệt qua học tập chính trị, được  truyền đạt sâu về truyền thống cách mạng của cha ông qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, chúng em được bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, để từ đó bản thân mỗi sinh viên ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - bạn Nguyễn Thị Dương chia sẻ.

Để công tác giáo dục quốc phòng-an ninh ngày càng thêm hiệu quả, chất lượng, Trung tâm Giáo dục quốc phòng Tây Nguyên cũng thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ, công nhân viên đủ số lượng, chất lượng; có phẩm chất đạo đức tốt, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ giảng dạy. Hằng năm, Trung tâm đều tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; khuyến khích cán bộ, giảng viên tự học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học phục vụ công tác quản lý và giảng dạy. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên của Trung tâm có trình độ đại học, trong đó 20% có trình độ sau đại học. 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.