Giữ vững danh hiệu ngọn cờ đầu
Trung đoàn 584 đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới cho các địa phương trên địa bàn tỉnh và huấn luyện nâng cao, huấn luyện dự bị động viên… Hằng năm đơn vị tiếp nhận huấn luyện cho hơn 500 chiến sĩ mới của 15 huyện, thị xã, thành phố; huấn luyện lực lượng dự bị động viên của các đơn vị: Ea H’leo, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Khối lượng công việc của Trung đoàn nhiều, trong khi đó đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp thường xuyên luân chuyển, hoặc tham gia các khóa tập huấn nâng cao. Mặt khác các đơn vị trực thuộc đóng ở nhiều địa bàn, xa sở chỉ huy nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện của Ban Chỉ huy Trung đoàn. Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian qua, Trung đoàn đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và triển khai thực hiện có hiệu quả, trở thành đơn vị điển hình trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Trung tá Hoàng Công Sự, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 584 chia sẻ cách làm: “Trên cơ sở thường xuyên rút kinh nghiệm, chúng tôi tập trung khắc phục những khâu yếu, mặt yếu, với mục tiêu nâng cao chất lượng huấn luyện năm sau cao hơn năm trước”. Trước mỗi đợt huấn luyện mới, bên cạnh việc xây dựng nghị quyết chuyên đề, Trung đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị cả về tổ chức, nhân sự và phương tiện vật chất; kiện toàn biên chế các khung huấn luyện, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm thống nhất nội dung, phương pháp quản lý bộ đội và huấn luyện cho đội ngũ cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn - xem đây là “chìa khóa”, giải pháp then chốt tạo sự chuyển biến về chất lượng. Hằng năm, có 100% cán bộ huấn luyện được tập huấn với kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 84% đạt khá, giỏi.
Huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh cho chiến sĩ mới tại Trung đoàn 584. |
Trong quá trình huấn luyện, cán bộ Trung đoàn đã bám sát, vận dụng nhuần nhuyễn “3 quan điểm, 6 nguyên tắc, 8 mối kết hợp”, xây dựng tiến trình biểu khoa học, nội dung giáo án phù hợp cho từng đối tượng. Đội ngũ cán bộ huấn luyện có trình độ, kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm với công việc đã bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, hướng dẫn chiến sĩ mới các nội dung theo quy trình, thứ tự từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, huấn luyện theo phương pháp học mới ôn cũ, “chắc lý thuyết, giỏi thực hành, thành thạo động tác”, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện kỹ thuật với chiến thuật. Ngoài ra, để phát huy tính đồng đội, tinh thần tương trợ, giúp đỡ, kèm cặp, thi đua lẫn nhau giữa các chiến sĩ, Trung đoàn đã xây dựng “Tổ 3 người”, dưới hình thức biên chế chiến sĩ trong một tổ gồm có các thành phần dân tộc khác nhau, giữa người có kiến thức am hiểu với người có trình độ văn hóa còn hạn chế. Cách làm này đã phát huy tác dụng khi ngoài giờ huấn luyện trên thao trường, các chiến sĩ trong cùng tổ có thời gian cùng nhau ôn luyện, nắm chắc lại những nội dung đã học. Kết quả qua kiểm tra các nội dung, 100% chiến sĩ đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ đạt loại giỏi chiếm 85%.
Với đặc thù là đơn vị quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới, mỗi năm 2 đợt, trong đó tân binh là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, đòi hỏi cán bộ ở đơn vị phải thật sự gần gũi, sâu sát bám nắm bộ đội. Việc tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, phong tục, tập quán, tính cách của chiến sĩ sẽ giúp đội ngũ cán bộ có phương pháp quản lý, giáo dục, huấn luyện phù hợp, giúp chiến sĩ thêm tự tin, an tâm công tác, từ đó góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện. “Đơn vị đã phân công các đồng chí cán bộ trực tiếp phụ trách từng tiểu đội, trung đội và duy trì nghiêm tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân, kịp thời tháo gỡ, giải đáp những khúc mắc, bỡ ngỡ ban đầu, giúp tân binh nhanh chóng thích nghi, làm quen với môi trường mới. Đây cũng là một trong những giải pháp mà Trung đoàn tập trung thực hiện nhằm duy trì, nâng cao chất lượng huấn luyện những năm qua”, Đại úy Nguyễn Văn Dưỡng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584) chia sẻ.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc