Multimedia Đọc Báo in

Ngành Hậu cần lực lượng vũ trang tỉnh: Hưởng ứng phong trào làm theo lời Bác Hồ dạy

09:20, 13/05/2015

Thực hiện Chỉ thị 214 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, những năm qua phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” đã được ngành Hậu cần lực lượng vũ trang tỉnh triển khai toàn diện, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả thiết thực, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh, phục vụ đắc lực nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương…

Đại tá Trần Văn Hoa, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua cho biết: sau khi có Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã tổ chức quán triệt đến 100% cán bộ, chiến sĩ nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức và hành động trong mỗi cá nhân, tập thể. Song song với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, trên cơ sở những hướng dẫn của Bộ, của Quân khu, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã bám sát phương châm “Một tập trung-Ba khâu đột phá” để xây dựng chỉ tiêu thi đua phù hợp, sát với tình hình của đơn vị và đưa vào nghị quyết lãnh đạo thực hiện. Các phong trào thi đua được định hướng, cụ thể hóa bằng những nội dung cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm như: thi đua trong công tác bảo đảm quân nhu; thi đua trong công tác bảo đảm quân y và Phong trào “Xây dựng, quản lý doanh trại chính quy-xanh-sạch-đẹp”. Bên cạnh đó để nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua, các đơn vị thường xuyên lồng ghép, gắn kết phong trào với các cuộc vận động, với phong trào thi đua Quyết thắng, xem đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị; đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra, sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến.

 Chiến sĩ Tiểu đoàn 303  (Trung đoàn 584)  tăng gia  sản xuất.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584) tăng gia sản xuất.

Trong bối cảnh giá cả thị trường có nhiều biến động, các mặt hàng thực phẩm tăng mạnh, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã quan tâm chỉ đạo lãnh đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị phát huy nội lực, đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, chủ động khai thác nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ đưa vào phục vụ bộ đội theo phương châm “phát huy tiềm năng, thế mạnh tại chỗ, tận dụng nhân lực sẵn có”, từ đó tập trung đầu tư kinh phí, cải tạo đất đai, quy hoạch khu tăng gia sản xuất, mở rộng chuồng trại, ao hồ nhằm nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất... Kết quả đến nay 100% đơn vị quy hoạch được khu vực tăng gia sản xuất, nhiều đơn vị đã tự túc từ  80-90% lượng rau xanh; có 95% đơn vị được xếp loại  khá, giỏi qua phong trào “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Đặc biệt, chỉ trong vòng 5 năm (2010-2015), tổng giá trị thu được từ tăng gia sản xuất trong toàn lực lượng đạt trên 16 tỷ đồng, bình quân đạt gần 1.500.000 đồng/người/năm. “Thực túc binh cường”, từ công tác tăng gia sản xuất đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, nâng cao sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, với tỷ lệ quân số khỏe hằng năm đạt 99,19%.

Song song đó, phong trào thi đua trong công tác bảo đảm quân y được ngành Hậu cần chú trọng. Thực hiện phương châm phòng bệnh là chính, các cơ quan, đơn vị đã duy trì thường xuyên các biện pháp phòng bệnh, phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nền nếp chế độ lưu mẫu thức ăn, bảo đảm đơn vị không xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm. Công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh thực hiện tốt việc thu dung, điều trị, quản lý sức khỏe bộ đội, hằng năm ngoài kinh phí trên cấp, các đơn vị đã trích quỹ hỗ trợ thêm để khám và lập sổ theo dõi sức khỏe cho cán bộ, nhân viên của cơ quan, đơn vị mình. Ngoài ra, bộ phận quân y lực lượng vũ trang tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức nhiều chương trình quân-dân y kết hợp cũng như thực hiện công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự theo đúng quy định. Kết quả trong 5 năm, toàn ngành đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt đồng bào dân tộc thiểu số với tổng cơ số thuốc cấp phát trị giá 300 triệu đồng.

Phong trào “Xây dựng, quản lý doanh trại chính quy-xanh-sạch-đẹp” cũng được các đơn vị quan tâm thực hiện. Từ nhiều nguồn vốn, như: vốn tích lũy của đơn vị, vốn quốc phòng, ngân sách địa phương…, 5 năm qua các đơn vị đã đầu tư trên 181 tỷ đồng quy hoạch xây dựng tổng thể doanh trại phù hợp, tạo cảnh quan thoáng mát, cơ sở vật chất, nơi ăn nghỉ, sinh hoạt, học tập khang trang, sạch đẹp để cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ. Cùng với đó ngành Hậu cần đã “siết” chặt công tác quản lý, sử dụng vật chất hậu cần, tài chính thông qua việc thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát thu, chi; đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; duy trì và bảo đảm về lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, xăng dầu, phương tiện vật chất… phục vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các hoạt động diễn tập khu vực phòng thủ, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống cháy nổ của lực lượng vũ trang tỉnh.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.