Cam go cuộc chiến truy bắt tội phạm truy nã
Khi được phân công nhiệm vụ, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh) nhanh chóng lên đường, không ngại khó khăn, vượt hàng trăm kilomet để tiến hành xác minh, truy bắt đối tượng truy nã (ĐTTN). Với niềm đam mê công việc, ý chí quyết tâm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã đưa nhiều đối tượng ma mãnh, nguy hiểm về quy án.
Thực hiện các kế hoạch của Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã liên tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát trên toàn tỉnh mở nhiều đợt tấn công, truy bắt các loại tội phạm truy nã. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Công an các đơn vị trong toàn tỉnh đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại khoảng 90 ĐTTN; riêng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) đã bắt, thanh loại và vận động đầu thú 25 đối tượng.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình truy bắt tội phạm, Đại tá Văn Ngọc Thi, Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm cho biết: “Đắk Lắk có diện tích rộng, địa hình nhiều đồi núi, rẫy vắng, có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia; bên cạnh đó, thành phần dân cư đa dạng, đặc biệt dân di cư tự do đến sinh sống, phá rừng làm nương rẫy, làm thuê theo mùa vụ ngày càng đông… đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật đến ẩn náu, hoạt động. Đây là một trong những khó khăn lớn khi thực hiện nhiệm vụ truy nã tội phạm. Tuy nhiên với tinh thần, ý chí quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn cố gắng hết mình, chỉ cần có manh mối là sẵn sàng lên đường truy bắt ĐTTN”.
Chuyện xảy ra đã lâu nhưng lực lượng truy nã PC52 vẫn nhớ như in lần truy bắt đối tượng Nguyễn Thế Thuấn, (ở huyện Krông Ana), phạm tội giết người. Năm 1998, sau khi ép vợ uống thuốc trừ sâu dẫn đến tử vong, Thuấn bỏ trốn, thay tên, đổi họ và sống như vợ chồng với 4 người phụ nữ khác tại các tỉnh: Đắk Nông, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn. Sau 11 năm theo dõi, truy tìm, cảnh sát đã bắt được hắn tại ga Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn). Quá bất ngờ, Thuấn vẫn không thể tin là đã “mai danh ẩn tích” kỹ càng, nhưng vẫn phải tra tay vào còng số 8.
![]() |
Các cá nhân, tập thể PC52 được tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác truy nã tội phạm. Ảnh: Trọng Tính |
Một chuyên án không kém phần vất vả là truy bắt đối tượng Bùi Thị Nga (TP. Buôn Ma Thuột). Lợi dụng sự quen biết, từ tháng 11-2007 đến tháng 8-2008, bà Nga đã vay của bà Nguyễn Thị Kim Thanh (đường Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột) 300 lượng vàng SJC và nhờ bà Thanh mượn giúp thêm 70 lượng vàng để trả nợ và buôn bán. Bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ nên bà Nga đã trốn khỏi địa phương. Thực hiện ý kiến của lãnh đạo phải truy bắt đối tượng gây hậu quả nghiêm trọng đang lẩn trốn, cán bộ, chiến sĩ PC52 đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tìm hiểu thông tin từ quần chúng nhân dân và xác định được đối tượng đang trốn ở TP. Vũng Tàu, thường xuyên về TP. Hồ Chí Minh. Tháng 9-2013, khi đối tượng đang mua vé ở Bến xe miền Đông để về TP. Vũng Tàu, đã bị các trinh sát bắt giữ và di lý, giao cho đơn vị điều tra. Sau nhiều năm lẩn trốn, đối tượng Nga vẫn không thể thoát khỏi lưới pháp luật.
Riêng chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều đối tượng có “số má”, ranh mãnh như: Dương Văn Hưởng (trú ở huyện Ea Súp, phạm tội cố ý gây thương tích, bị truy nã năm 2005), Nguyễn Thị Hậu (trú tại Quận 4, TP. Hồ Chí Minh, năm 1989 bỏ trốn thi hành án, sau đó đổi tên thành Nguyễn Thị Mai và liên tục tái phạm tội trộm cắp tài sản), Phạm Văn Chăng (trú tại huyện Ea Kar, phạm tội giết người, bị truy nã từ năm 1997)… dù thay đổi tên, lẩn trốn khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhưng cuối cùng cũng bị cán bộ, chiến sĩ PC52 bắt về quy án.
Đấu tranh với tội phạm đã khó, truy tìm những đối tượng phạm tội lẩn trốn càng khó gấp bội. Thượng tá Lương Văn Lục, Phó Trưởng Phòng PC52 chia sẻ: “Các đối tượng thường thay tên đổi họ, sử dụng các loại giấy tờ, chứng minh nhân dân giả, thay đổi đặc điểm nhận dạng… để tạo vỏ bọc, nhằm che mắt nhân dân và Công an địa phương… Xác minh được nơi lẩn trốn của đối tượng nhiều lúc khó như “mò kim đáy bể”. Trước khi thực hiện bất cứ chuyên án nào, lãnh đạo PC52 đều bàn bạc rất kỹ lưỡng với tổ công tác, đặt ra nhiều phương án, những khả năng có thể xảy ra, bảo đảm bắt gọn ĐTTN.”.
Gắn bó với công tác truy nã nhiều năm nay, nhưng Trung tá Nguyễn Sơn Toàn (Đội trưởng Đội truy nã số 3) vẫn không thể quên được lần truy bắt đối tượng Trần Đức Chính (TP. Buôn Ma Thuột). Phạm tội giết người, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, năm 1989 Chính bị giam ở Trại giam Đắk Trung, nhưng đến năm 1995 đã trốn trại rồi thay tên đổi họ, thường xuyên thay đổi nơi cư trú khiến công tác truy nã gặp nhiều khó khăn. Tháng 9-2014, thông qua nắm bắt tình hình, biện pháp nghiệp vụ, đội công tác PC52 đã phát hiện và bắt gọn đối tượng tại tỉnh Ninh Thuận. Lúc đó Chính đã là ông chủ của một cơ sở sản xuất, có vợ và 3 đứa con… Sau gần 10 năm trốn trại, thay tên, đổi địa điểm cư trú nhiều lần, nhưng cuối cùng Chính cũng phải trả giá cho những tội lỗi của mình. Bao giờ cũng vậy, hành trình bắt ĐTTN luôn đầy cam go, nguy hiểm, nhưng bằng bản lĩnh, nghề nghiệp sắc bén, các anh luôn là “khắc tinh” của nhiều đối tượng cộm cán… Với những thành tích đạt được, từ năm 2011 – 2014, PC52 luôn được Giám đốc Công an tỉnh công nhận danh hiệu Đơn vị quyết thắng; được Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác truy nã tội phạm.
Tự hào với những chiến công đạt được, song cán bộ, chiến sĩ PC52 luôn trăn trở bởi trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn trên 210 ĐTTN, trong đó 52 đối tượng nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Phía trước hành trình truy nã vẫn còn không ít gian nguy, có khi phải đổi bằng máu và nước mắt. Tuy nhiên, khi ĐTTN lẩn trốn vẫn còn nhiều, khi bình yên của người dân bị đe dọa, thì cán bộ, chiến sĩ PC52 vẫn không quản ngại khó khăn, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc