Multimedia Đọc Báo in

Phát huy sức dân trong phong trào giữ gìn an ninh, trật tự

09:21, 07/08/2015

Do đặc thù địa hình, dân cư nên tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là 1 trong 18 địa bàn phức tạp về tội phạm hình sự của cả nước.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch với âm mưu “Diễn biến hòa bình” thường tổ chức các hoạt động phá hoại an ninh chính trị ở Tây Nguyên nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn nhằm khơi dậy, phát huy sức dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể hướng về cơ sở để thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc, công tác dân vận, đưa Nghị quyết 09/CP của Chính phủ và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm cũng như các nghị quyết liên tịch về xây dựng, phát triển phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ vào cuộc sống. Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo toàn lực lượng vừa phát huy vai trò chủ công, nòng cốt vừa phối hợp với các ban ngành, đoàn thể xã hội, MTTQ các cấp tổ chức, xây dựng, phát triển các mô hình quần chúng tự quản, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, chiếu băng hình trực quan kết hợp với việc đưa các đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước dân và giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại cộng đồng.

Cụ thể, trong 10 năm qua, lực lượng Công an các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mới và nhân rộng được 113 mô hình, 26 tổ chức quần chúng tự quản về ANTT, lắp đặt 2.470 hòm thư tố giác tội phạm ở các thôn, buôn, tổ dân phố… Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 289 mô hình, 7.743 tổ chức quần chúng tự quản về ANTT. Trong đó, có nhiều mô hình, tổ chức quần chúng tự quản phát huy hiệu quả khá tốt trong công tác phòng ngừa tội  phạm, giữ gìn ANTT ngay từ cơ sở như: mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar), “Quần chúng tự quản an ninh trật tự” tại thôn Liên Hóa, xã Cư Kpô (huyện Krông Búk), “Thôn bình yên không có người phạm tội hình sự” ở thôn 2, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), “Giáo xứ 3 an toàn” ở xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin), “Tự quản về ANTT và không tệ nạn ma túy” ở xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc), “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận” tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk), “Tổ thanh niên xung kích ANTT” tại xã Hòa Phong (huyện Krông Bông), “Xã Hòa Phú không có tệ nạn ma túy” ở TP. Buôn Ma Thuột…

Những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khen thưởng. Ảnh: Trọng Tính
Những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khen thưởng. Ảnh: Trọng Tính

Từ năm 2005 đến nay, lực lượng Công an cùng cấp ủy chính quyền, ban ngành, đoàn thể các địa phương đã tổ chức hơn 45.000 buổi họp dân gắn với nội dung tuyên truyền, phát động quần chúng bảo vệ ANTQ, thu hút gần 3,9 triệu lượt người tham dự. Nhân dân ở các thôn, buôn, tổ dân phố, các tổ chức quần chúng tự quản, bảo vệ của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đã cảnh giác phát hiện, báo cho cơ quan chức năng hơn 24.000 nguồn tin, tích cực góp sức giúp lực lượng Công an các cấp điều tra, làm rõ trên 19.000 vụ việc, bắt, xử lý hơn 31.000 đối tượng tội phạm các loại, vận động 754 đối tượng truy nã ra đầu thú, truy thu tang vật tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng trả lại cho Nhà nước và những gia đình bị hại. Cũng qua các đợt tuyên truyền, phát động phong trào quần chúng giữ gìn ANTT, nhân dân ở các thôn, buôn, tổ dân phố còn phát hiện, tố giác và giao nộp, giúp cho lực lượng Công an thu hồi hơn 6.150 khẩu súng tự chế, súng săn và vũ khí, vật liệu nổ, hung khí các loại, góp phần ngăn ngừa những tai nạn và vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Một hoạt động phòng ngừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hiệu quả và thiết thực nữa là phong trào giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội, lầm lỡ hoàn lương, giúp đỡ họ tái hòa nhập với cộng đồng. Trong 10 năm qua, các tổ quần chúng tự quản về ANTT ở thôn, buôn, tổ dân phố cùng lực lượng Công an, các ban ngành, đoàn thể thanh niên, phụ nữ các cấp đã phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ hơn 23.480 thanh thiếu niên hư hỏng, chậm tiến, các đối tượng có tiền án, tiền sự và người lầm lỗi từ bỏ quá khứ, vượt qua mặc cảm để tu chí hoàn lương tại cộng đồng. Trong đó, đã tổ chức cho hơn 800 lượt người cai nghiện ma túy và giải quyết dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 1.500 thanh niên chậm tiến có quá khứ lầm lỗi, vi phạm.

Từ phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” đã xuất hiện nhiều tấm gương quần chúng, già làng, trưởng buôn, thôn, chức sắc tôn giáo tiêu biểu trong giữ gìn ANTT, hàng trăm người dân đã dũng cảm trực tiếp tham gia truy đuổi, vây bắt tội phạm. Với những thành quả đạt được trong phong trào này, 10 năm qua, cán bộ và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần được lãnh đạo các cấp khen thưởng. Từ năm 2005 đến nay, riêng Bộ Công an đã trao tặng trên 1.200 kỷ niệm chương “Bảo vệ ANTQ”, hơn 20 cờ thi đua, trên 100 bằng khen cho các cá nhân, tập thể, ban bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã, lãnh đạo và bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… UBND tỉnh đã tặng 6 cờ thi đua, trên 30 bằng khen; Giám đốc Công an tỉnh tặng thưởng hàng trăm giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”.

Trọng Hiến – Thanh Thúy


Ý kiến bạn đọc