Những chiếc cầu vinh quang
Nhiều lần tham dự lễ giao nhận quân ở các địa phương khác trên địa bàn Quân khu 5, nhất là ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, đại tá Trương Hồng Quang, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh thấy thanh niên rất hào hứng khi được bước lên chiếc cầu vinh quang, song Đắk Lắk lại chưa có chiếc cầu độc đáo này. Đại tá Trương Hồng Quang đã đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, học tập mô hình trên của các đơn vị bạn để vận dụng cho phù hợp với địa phương mình.
Các chiến sĩ mới của TX. Buôn Hồ hào hứng bước lên cầu vinh quang. |
Với phương châm “tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp, ấn tượng”, đầu tháng 8-2015, Ban CHQS tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phát động cán bộ, chiến sĩ hiến kế xây dựng cầu vinh quang để chuẩn bị cho lễ giao nhận quân đợt 2. Mỗi đơn vị một ý tưởng, có chiếc cầu mang dáng dấp ngôi nhà dài của đồng bào Êđê, có cây cầu lại mang dáng dấp của cây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng), cầu Long Biên (Hà Nội)… Nhưng cả 8 cây cầu đều có điểm chung là tiện lợi, gọn nhẹ, có thể dễ dàng tháo lắp, vận chuyển, sử dụng được lâu dài. Tại lễ giao nhận quân, sau các nghi lễ chính thức thường thấy, các chiến sĩ sẽ được đọc tên theo danh sách từng xe rồi hành quân theo một hàng dọc tiến về phía cầu vinh quang. Bên này đầu cầu, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương và các nữ sinh trung học phổ thông duyên dáng trong tà áo dài trắng xếp hàng ngay ngắn bắt tay, tặng quà động viên, còn người thân ở khu vực tập trung vẫy tay tiễn biệt các tân binh… Tất cả tạo nên bầu không khí trang nghiêm mà gần gũi. Bên kia cầu, cán bộ của đơn vị nhận quân sẽ đón và hướng dẫn các chiến sĩ lên xe chở quân.
Được chọn là người đại diện cho 320 thanh niên của huyện Krông Pắc lên phát biểu trong lễ giao nhận quân, từ sáng sớm Y Wây Byă (buôn Gamah, xã Ea Yông) đã giục bố chở ra Quảng trường của huyện để chuẩn bị tâm thế và làm quen với sân khấu. Thấy chiếc cầu inox sáng choang được trải thảm đỏ, cắm cờ và trang trí lộng lẫy đặt ở bên trái lễ đài, Y Wây Byă vừa tò mò vừa thích thú. Được Thượng tá Nguyễn Xuân Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện giải thích về ý nghĩa của cây cầu, bố con Y Wây Byă rất hào hứng. Chiến sĩ Phan Thành Công (xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ) cũng không giấu được vẻ háo hức trong lúc đợi đến lượt mình bước lên cầu vinh quang: “Lúc nãy mẹ em dặn, lúc lên cầu em nhớ cười thật tươi, mẹ sẽ lấy điện thoại chụp ảnh và gửi về quê cho ông bà xem”. Em cảm thấy rất tự hào.
Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Chiếc cầu vinh quang không chỉ tôn vinh hình ảnh người thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, mà còn góp phần làm cho lễ giao nhận quân thêm trang trọng, ý nghĩa, tránh được cảnh lộn xộn trước lúc các chiến sĩ lên xe về đơn vị, vì toàn bộ quy trình buổi lễ hoàn toàn khép kín. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành rút kinh nghiệm và triển khai việc thực hiện cầu vinh quang trong lễ giao nhận quân ở tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh từ năm 2016”.
Việt Hùng
Ý kiến bạn đọc