Những chiến công trên mặt trận truy bắt tội phạm truy nã
Đắk Lắk có diện tích rộng, địa hình nhiều đồi, rừng, rẫy vắng, hẻo lánh, lại là nơi tập trung nhiều thành phần dân cư, dân tộc từ khắp các tỉnh thành tới sinh sống, làm ăn… Lợi dụng những đặc điểm này, các đối tượng tội phạm bị truy nã từ khắp nơi trong nước đã trà trộn đến Đắk Lắk, thay tên đổi họ, che giấu hành tung, tạo vỏ bọc mới nhằm trốn tránh sự truy tìm của Công an các tỉnh, thành phố. Điều này đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác truy bắt các loại tội phạm, trong đó có tội phạm truy nã của Công an tỉnh Đắk Lắk.
Vào năm 2004, đối tượng Dương Văn Hưởng (SN 1980, quê quán bản Huấn, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) vào làm thuê tại nhà anh Trần Văn Công, ở tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp. Tại đây Hưởng đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” và bỏ trốn khỏi địa bàn, bị Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định truy nã. Trong suốt 10 năm truy bắt Dương Văn Hưởng, các chiến sĩ công an phải lần dò từng đầu mối từ quê quán của hắn tại tỉnh Lạng Sơn đến những người thân quen đang sống tại các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk; có những lần thông tin mờ mịt khiến vụ việc tưởng rơi vào bế tắc. Tập trung, rà soát lại một số thông tin khác, phát hiện Hưởng là người dân tộc Tày, tổ trinh sát đã khoanh vùng, sàng lọc tất cả các đối tượng có quê quán và nguồn gốc là người dân tộc Tày, từ đó tìm ra anh trai của Hưởng là Dương Quốc Huy sinh sống tại xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar). Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các chiến sĩ công an biết được thông tin Huy có một người em trai đã lấy vợ là người dân tộc thiểu số. Chỉ gần một tuần sau, cơ quan Công an tìm ra người em của Huy có tên là Dương Văn Hiển, quê ở Ninh Bình, mồ côi cha mẹ, năm 2006 đã lấy vợ người dân tộc thiểu số ở xã Cư Dliê Mnông, sau đó chuyển về sinh sống tại thôn 4, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar. Tổ phá án xác định Hiển chính là Hưởng và tìm cách khéo léo bắt giữ, dẫn giải tên tội phạm truy nã ra khỏi nơi ẩn náu trong suốt 10 năm của hắn trong sự ngỡ ngàng của nhiều người dân.
Khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm công tác truy nã tội phạm. |
Truy bắt tên Trần Văn Bạo (SN 1980, trú tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc), các chiến sĩ công an cũng gặp không ít khó khăn bởi đối tượng này thường xuyên di chuyển khắp nơi, chỗ ở không cố định, không khai báo nhân thân, lai lịch với chính quyền. Tên Trần Văn Bạo bị Công an tỉnh Đắk Lắk ra lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm với tội “Giết người” vào năm 2006. Sau khi gây án, đối tượng bỏ trốn đi làm thợ hồ cho các công trình xây dựng khắp các tỉnh thành như Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, không có chỗ ở ổn định. Sợ bị công an phát hiện nên ngày bố mẹ mất, Bạo cũng không dám về. Đến tháng 1-2014, tổ phá án xác định Bạo đang làm thợ hồ cho một công trình xây dựng ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Các trinh sát đã phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, phục kích, đón lõng, bắt giữ đối tượng.
Tên tội phạm Trịnh Văn Tám (SN 1973, trú tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) là một cán bộ pháp y. Lợi dụng mối quan hệ trong công việc, Tám lừa tiền một số người, sau đó bỏ trốn; Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định truy nã Tám với tội “Lừa dảo chiếm đoạt tài sản”. Với sự phối hợp giúp đỡ của nhân dân, cơ quan Công an có được số điện thoại của Tám, sau khi sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, xác định Tám đang ở Điện Biên nhưng ngay hôm sau lại hắn đã di chuyển xuống Thái Bình. Kiên trì theo dõi mọi động thái của đối tượng, tổ công tác nhanh chóng lập kế hoạch phối hợp với Phòng Cảnh sát truy nã của tỉnh Thái Bình xác minh thông tin, biết Tám đang làm vệ sĩ cho một công ty tại TP. Thái Bình. Ngay sau đó, Trịnh Văn Tám đã bị các trinh sát bắt giữ khi đang làm việc.
Có thể nói, cùng với công tác điều tra, truy tìm, bắt giữ, công tác vận động các đối tượng truy nã ra đầu thú thực sự là một công việc khó khăn và gian nan. Để phá án thành công, các chiến sĩ Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh phải rất linh hoạt, bền bỉ và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, vất vả. Trong hơn 10 năm qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã mở nhiều đợt tấn công truy bắt các loại tội phạm truy nã. Được nhân dân tích cực giúp đỡ, Công an các xã phối hợp, từ năm 2004 đến nay, lực lượng Cảnh sát trên toàn tỉnh đã xác minh, truy tìm, bắt, thanh loại và vận động ra đầu thú tổng cộng hơn 2.800 đối tượng truy nã; trong đó có 638 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm… Riêng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh, từ khi được thành lập (năm 2010) đến nay đã trực tiếp bắt, thanh loại và vận động đầu thú hơn 500 đối tượng truy nã; trong đó có trên 200 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm trốn sâu, trốn lâu năm và có nhiều thủ đoạn thay tên đổi họ, sử dụng các loại giấy tờ tùy thân giả, che giấu hành tung rất tinh vi. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm còn tiếp nhận hàng nghìn lượt thông báo truy tìm đối tượng gây án bỏ trốn, truy tìm tung tích nạn nhân, người bị hại, người mất tích, thông báo truy tìm vật chứng cho các đơn vị trong địa bàn tỉnh.
Những chiến công trong việc truy bắt tội phạm truy nã của lực lượng Công an tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Mai Phương
Ý kiến bạn đọc