Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng văn hóa vùng biên

09:12, 18/12/2015

Từ khi thành lập đến nay, phòng đọc sách, báo của Đồn Biên phòng Ea H’leo đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa bổ ích, hấp dẫn giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao kiến thức, kịp thời cập nhật thông tin tình hình trong nước cũng như quốc tế.

Nhằm nâng cao chất lượng văn hóa, thông tin ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết chương trình đưa văn hóa về cơ sở, trong đó, việc xây dựng phòng đọc sách, báo đã mang lại hiệu quả tích cực. 

Phòng đọc sách, báo với khoảng 1.000 đầu sách của Đồn Biên phòng Ea H’leo.
Phòng đọc sách, báo với khoảng 1.000 đầu sách của Đồn Biên phòng Ea H’leo.

 Những năm mới thành lập, phòng đọc sách, báo của Đồn Biên phòng Ea H’leo còn đơn sơ, chỉ vài trăm đầu sách, thì hiện nay đã có khoảng 1.000 đầu sách, báo, tạp chí và có đủ bàn ghế, phục vụ cán bộ, chiến sĩ đọc tại chỗ. Hằng ngày, phòng đọc đều mở cửa để cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm thông tin, tài liệu; giá để sách, báo hay phòng đọc riêng được bố trí ngăn nắp; các đầu sách được chọn lọc, phân loại cụ thể giúp người đọc dễ dàng tìm kiếm. Bên cạnh việc phục vụ tại chỗ, đơn vị còn mang sách, báo về các buôn, làng, phục vụ người dân, cán bộ, chiến sĩ làm công tác tại địa bàn; xây dựng tủ sách, báo “lưu động” dành cho các đội huấn luyện, tuần tra. Đại úy Đỗ Thế Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo cho biết: “Thông qua sách, báo đã góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao hiểu biết, tạo nếp quen đọc sách cho cán bộ, chiến sĩ vùng biên”.

Để có nguồn sách phong phú, phục vụ cán bộ, chiến sĩ đơn vị, hằng năm Bộ Tư lệnh Biên phòng thường cấp bổ sung; Thư viện tỉnh hỗ trợ thêm sách mới, đồng thời luân chuyển sách mỗi năm 2 lần với hàng trăm đầu sách, báo. Binh nhất Vương Văn Thái (Đội Tổng hợp) bộc bạch: “Ở nhà tôi rất ít khi đọc báo, xem chương trình thời sự, nhưng vào đơn vị được đồng đội tạo nếp quen, tôi bắt đầu theo dõi báo chí thường xuyên, đặc biệt là các sự kiện chính trị, văn hóa, an ninh trật tự. Việc cập nhật thông tin mỗi ngày đã giúp tôi nắm bắt kịp thời các sự kiện trong nước, quốc tế”. Còn Binh nhất Đàm Văn Đình (Đội Tổng hợp) thì cho biết: “Tôi thích xem các loại sách báo nói về chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế. Lượng kiến thức tham khảo được đã giúp tôi ứng dụng hiệu quả cho việc tăng gia sản xuất ở đơn vị, chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng cho người dân vùng biên và gia đình”. Không chỉ có chiến sĩ Thái và Đình, mà nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã trở thành người bạn thân quen của phòng đọc.

Cùng với phòng đọc, đơn vị còn trang bị đầu thu kỹ thuật số VTC, loa đài truyền thanh nội bộ để bộ đội dễ dàng cập nhật thông tin, kiến thức; tổ chức thông báo thời sự, các sự kiện lớn trong nước và quốc tế vào sáng thứ hai hằng tuần; tổ chức cho bộ đội đọc báo vào 13 giờ 30 mỗi ngày... nhằm xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần thêm phong phú, lành mạnh, bổ ích.

Không chỉ Đồn Biên phòng Ea H’leo, tính đến nay, các đồn biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh) đều có phòng đọc sách, báo phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Mỗi phòng đọc có từ 3 - 4 giá sách, trong đó có 11 đầu báo khác nhau như: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đắk Lắk, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong... và trên 700 đầu sách về các lĩnh vực: chính trị quân sự, văn hóa thể thao, trồng trọt, chăn nuôi... với trên 2000 cuốn. Thượng tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Đồn Biên phòng Ea H’leo là một trong những đơn vị có phòng đọc sách, báo tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả. Không chỉ có số lượng sách lớn, đa dạng về thể loại mà còn là điểm sáng văn hóa nơi biên giới, tạo nếp quen đọc sách cho cán bộ, chiến sĩ, phổ biến kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết quân – dân, môi trường văn hóa lành mạnh...”.

 Song Quỳnh 


Ý kiến bạn đọc