Multimedia Đọc Báo in

Nhịp cầu kết nối cơ sở

09:49, 11/01/2016

Thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về cơ sở, những năm qua nhiều cán bộ, sĩ quan biên phòng tỉnh đã được tăng cường về công tác tại 4 xã biên giới: Krông Na (huyện Buôn Đôn), Ia R’vê, Ya Lốp và Ea Bung (huyện Ea Súp).

Ý thức nghĩa vụ, trách nhiệm của người lính mang quân hàm xanh, đội ngũ cán bộ tăng cường (CBTC) luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực với công việc và trở thành nhịp cầu kết nối, tích cực tham gia, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

 Cán bộ  đội công tác của Đồn  Biên phòng  Ia R’vê  thăm hỏi  người dân  trên địa bàn.
Cán bộ đội công tác của Đồn Biên phòng Ia R’vê thăm hỏi người dân trên địa bàn.

Năm 2006, Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh được tăng cường về công tác tại xã Ia R’vê, đảm nhận chức vụ Phó trưởng Công an xã. Là xã mới thành lập, phần lớn người dân trên địa bàn từ các tỉnh miền Bắc và miền Tây Nam Bộ vào lập nghiệp, chưa kịp thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của vùng biên giới, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp, gây rối an ninh trật tự, săn bắt trái phép… Bắt tay vào công việc trên cương vị mới, song song với việc tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Công an xã, củng cố đội ngũ công an viên ở tất cả các thôn. Trên cơ sở nắm bắt, quản lý chặt chẽ nhân hộ khẩu cũng như thường xuyên gắn bó với địa bàn, tìm hiểu rõ gia cảnh của mỗi nhà, anh đã “khoanh vùng” các đối tượng quậy phá, trộm cắp, tìm cách tiếp cận, cùng chính quyền địa phương cảm hóa, giáo dục, từ đó tạo sự chuyển biến trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn. Cũng từ gần gũi, gắn bó với địa bàn, anh đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy chính quyền củng cố, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở thông qua công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên… Kết quả từ xã chỉ có một chi bộ ngày đầu với 17 đảng viên, đến nay toàn xã đã phát triển lên 22 chi bộ, không còn thôn trắng đảng viên. Với năng lực, trách nhiệm cao anh tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ nhiều chức danh của xã, như: Bí thư chi bộ thôn, đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch HĐND xã...

Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đại tá Lê Xuân Đáng cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 150 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về việc Quân đội tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược, Đảng ủy Biên phòng tỉnh đã xây dựng Đề án Bộ đội Biên phòng tham gia chương trình phát triển văn hóa, xã hội ở các xã biên giới, với những nội dung trọng tâm, như: tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, nâng cao dân trí; tham gia chương trình quân - dân y kết hợp; thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo... Để chủ trương này được triển khai hiệu quả, song song với việc xây dựng quy chế, quy định, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, chế độ sinh hoạt… Đảng ủy Biên phòng đã phân công những đồng chí có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng để tăng cường cho 4 xã biên giới. Ngay sau khi về địa bàn, 24 CBTC với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc cùng những kiến thức được đào tạo cơ bản đã nhanh chóng hòa nhập với cơ sở, nắm bắt toàn diện các mặt mạnh, yếu của địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu từng bước đưa các xã biên giới phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nhiệm vụ then chốt, hàng đầu là tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Các CBTC đã chủ động tham mưu, cùng cấp ủy tiến hành kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể qua công tác quy hoạch, đào tạo, sắp xếp đội ngũ cán bộ hợp lý; theo dõi, giám sát quy chế phối hợp hoạt động giữa các ban ngành đoàn thể; đặc biệt chú trọng công tác phát triển đảng viên mới, tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đảng ở cơ sở. Kết quả là những năm qua, các CBTC đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương 4 xã biên giới củng cố được 72 chi bộ, phát triển trên 200 đảng viên mới; hiện 4 xã biên giới không còn thôn, buôn trắng đảng viên, nhờ vậy năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên rõ rệt.

Dấu ấn của những CBTC còn thể hiện đậm nét qua việc tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn biên giới. Với đặc thù khí hậu, thời tiết vùng biên khắc nghiệt, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, những CBTC đã bỏ thời gian, cất công đi tìm hiểu nghiên cứu, thí điểm, triển khai các mô hình nuôi nhím, trồng gừng, trồng bí cao sản… phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng giúp nhân dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Diện mạo của các xã vùng biên ngày thêm khởi sắc hơn khi các CBTC đã tham mưu, đề xuất cho bộ đội biên phòng tỉnh xây hơn 150 căn nhà Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, nhà Nghĩa tình Trường Sơn tặng các hộ nghèo; 14 công trình dân sinh, giếng nước ngọt, phòng khám quân dân y kết hợp, phòng học… đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, học hành cho nhân dân. Ngoài ra, với vai trò là nhịp cầu kết nối, các CBTC đã trở thành “kênh” liên lạc, trao đổi thông tin hai chiều giữa các đồn biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhờ đó mà công tác phối hợp tổ chức thực hiện phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh trật tự, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc