Anh hy sinh vì bình yên Tổ quốc
Sáng 14-6, đội hình tiêm kích Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển.
Đến 7 giờ 29 phút cùng ngày, chiếc máy bay này mất liên lạc cùng hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi). Ngay sau khi mất liên lạc, công tác tìm kiếm cứu nạn được Bộ Quốc phòng triển khai khẩn cấp. Một ngày sau, anh Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. Chiến dịch tìm kiếm phi công - thượng tá Trần Quang Khải tiếp tục khẩn trương hơn. Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 200 tàu thuyền, máy bay đi tìm kiếm cứu nạn.
Trên tinh thần “không để đồng đội nằm lại biển khơi”, để tăng cường tìm kiếm, Bộ Quốc phòng đã điều máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983 từ sân bay Kiến An (Hải Phòng) bay vào vùng biển đảo Mắt (Nghệ An) để tìm kiếm thượng tá Khải. Nhận lệnh, Quân chủng Phòng không Không quân đã triển khai kíp bay gồm 9 người gồm: đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ trưởng; thượng tá Nguyễn Đức Hảo - Phi đội trưởng; thiếu tá chính trị viên Nguyễn Văn Chính - phi đội viên Phi đội phi công cấp ba; thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu - phi công kiêm dẫn dường; đại úy Lê Văn Đình - nhân viên tuần thám trên không; thượng úy Đỗ Văn Mạnh - Phó đại đội trưởng kỹ thuật hàng không; trung úy Nguyễn Văn Thái - nhân viên tuần thám; trung úy Nguyễn Bá Thế - nhân viên tuần thám; trung úy Lê Đức Lam - cơ giới trên không. Tất cả quân số đều thuộc Lữ đoàn 918 Quân chủng Phòng không Không quân. Sau khi cất cánh ít phút, máy bay đã rơi trên vùng biển Hải Phòng cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý. Trước khi tổ bay này cất cánh, máy bay CASA-212 đã có 17 giờ liên tục bay trên biển tìm kiếm hai phi công Cường và Khải trên vùng biển Nghệ An. Mọi công tác tìm kiếm những phi công trên máy bay CASA-212 vẫn đang được tiến hành khẩn cấp trên vùng biển Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).
Đồng đội đón thi thể Thượng tá Trần Quang Khải trên cầu cảng Hải đội 2 tại Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh: Thân Hoàng |
5 giờ sáng 18-6, tàu biên phòng đưa thi thể thượng tá Trần Quang Khải cập bờ biển Cửa Lò (Nghệ An). Hàng trăm cán bộ chiến sĩ mặc quân phục màu xanh da trời xếp hai hàng trên cầu cảng Hải đội 2 (thị xã Cửa Lò - Nghệ An) chờ đưa thi thể người đồng đội từ biển trở về. Tàu cập cảng, thi thể anh Khải gói chặt trong bao tử thi trên măng-ca được sáu đồng đội nâng trên vai chuyển từ tàu lên cầu cảng. Những người lính đưa tay lên mũ chào đón anh trong niềm thương tiếc. Nhiều đồng đội xúc động nghẹn lời, có người không kìm được, nước mắt tràn mi. Chị Trần Thị Tuấn, chị gái đầu của anh Khải, gào khóc trên cầu cảng kêu tên em trai: “Khải ơi, em đã về rồi. Bố đang chờ em về, em ơi”. Ông Trần Văn Phùng, bố đẻ của thượng tá Trần Quang Khải năm nay đã 90 tuổi nghẹn lời nấc từng tiếng qua điện thoại: “Lá vàng còn ở trên cây. Tôi 90 tuổi vẫn còn đây, vậy mà con tôi đã đi rồi. Mới dịp 30-4, nó về thăm tôi. Trước khi đi, nó còn hứa sẽ làm nhà mới để đón bố đến thăm. Giờ thì chẳng còn nữa rồi Khải ơi”. Trong thương đau tang tóc, có lẽ chị Hà - vợ của thượng tá Khải là người đau buồn nhất. Mới ngày nào, vợ chồng còn gặp nhau, anh bàn với chị sẽ xây căn nhà mới từ đồng lương dành dụm rồi đưa bố về ở, vậy mà giấc mơ ấy giờ thành mây khói. Chị Hà nghẹn ngào: “Cưới nhau hơn ba năm nhưng thời gian vợ chồng gặp nhau rất ít. Mỗi lần nghỉ phép, vợ chồng lại về Bắc Giang thăm bố. Anh mất rồi, giờ ai là điểm tựa, con tôi mồ côi cha rồi”. Khi lấy chị Hà làm vợ, anh Khải đã ở tuổi 40. Hoàn cảnh của anh chị gặp nhiều khó khăn. Chị là giáo viên dạy hợp đồng ở một trường học tại Hà Nội, cùng với đồng lương bộ đội của anh, dù tiết kiệm tằn tiện vẫn thiếu trước hụt sau. Anh Khải công tác tận sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa), xa nhà biền biệt, một năm chỉ về thăm vợ con một lần dịp nghỉ phép. Anh Khải là người hiếu thảo với bố mẹ. Nhà đông chị em, là con áp út trong gia đình song anh Khải luôn dành dụm tiền lương phụng dưỡng bố mẹ. Cách đây bốn năm khi mẹ anh chưa qua đời, mỗi lần về Bắc Giang chăm mẹ ốm, anh Khải chẳng nề hà chuyện tắm rửa vệ sinh cho mẹ.
Thượng tá Trần Quang Khải quê gốc ở thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang). Gia đình có 11 chị em song chỉ mình anh theo đường binh nghiệp. Sau tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, anh Khải về công tác tại Trung đoàn Không quân 923, Quân chủng Phòng không Không quân đóng tại sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Hơn 20 năm công tác, anh Khải là phi công chiến đấu cấp 1, có nhiều kinh nghiệm bay và kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Chức vụ hiện tại của anh là Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân. Thượng tá Khải đã được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba. Xét về sự hy sinh mất mát và thành tích của thượng tá Trần Quang Khải trong quãng thời gian tại ngũ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thăng quân hàm cho phi công Trần Quang Khải từ thượng tá lên đại tá. Sau khi thi hài anh Khải được đưa về, đơn vị đã làm lễ truy điệu cho anh tại Bệnh viện Quân y 4 - Quân đoàn 4. Thi thể của anh sau đó được chuyển về quê mẹ Bắc Giang để bà con anh em, họ hàng, đặc biệt là cha anh - ông Trần Văn Phùng nhìn mặt anh lần cuối, rồi được chuyển lên Hà Nội hỏa táng.
Thượng tá Trần Quang Khải hy sinh nhưng anh vẫn sống mãi trong lòng đồng đội và nhân dân.
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc