Xây dựng lực lượng công an xã đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Tập trung làm tốt công tác tạo nguồn, xây dựng lực lượng công an xã (CAX) đủ về số lượng, định biên theo đúng quy định; đầu tư kinh phí tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ CAX đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như quan tâm giải quyết chế độ chính sách để lực lượng này yên tâm làm nhiệm vụ… là những giải pháp đồng bộ, được UBND tỉnh triển khai nhằm cụ thể hóa Pháp lệnh CAX năm 2008, qua đó phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng CAX trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở.
Huyện vùng xa Ea Kar khi chưa triển khai thực hiện Pháp lệnh là một trong những địa phương có nhiều xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự như: Ea Ô, Ea Đar, Ea Tih. Trên địa bàn huyện thường xuyên xảy ra những vụ việc gây mất an ninh trật tự nông thôn như tệ nạn trộm cắp, cố ý gây thương tích, mất an toàn giao thông… Triển khai thực hiện Pháp lệnh CAX, UBND huyện đã tiến hành tổng rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan hiệu quả hoạt động của CAX, từ đó đề ra các giải pháp nhằm xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Nội vụ về số lượng định biên, UBND huyện chỉ đạo các địa phương chủ động tạo nguồn để bổ sung biên chế công an viên thường trực và công an viên thứ 2 cho xã trọng điểm. Kết quả từ một huyện chỉ có 235 công an xã (năm 2008) thì đến nay đã tăng lên 314 đồng chí. Xây dựng đủ định biên lực lượng CAX, huyện đã có nguồn nhân lực để triển khai phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cũng như thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các thủ tục giấy tờ khác cho nhân dân.
Công an xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) tuần tra, làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. |
Tương tự là huyện vùng biên Ea Súp, sau khi có Pháp lệnh, song song với việc chỉ đạo Công an huyện điều động một số sĩ quan công an đảm nhận chức vụ trưởng công an xã, địa phương còn bố trí thêm ở các thôn thuộc 7 xã trọng điểm, mỗi xã 2 công an viên theo đúng định biên. Nhờ đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã trọng điểm có nhiều chuyển biến tích cực, dần tiến đến mục tiêu ra khỏi danh sách các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
Được biết ngay sau khi Pháp lệnh Công an xã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 21-11-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009, UBND tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 65 về “Nâng cao chất lượng hoạt động của CAX, giai đoạn 2012 - 2016”. Trên cơ sở các kế hoạch, văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan chỉ đạo lực lượng chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp. Trong đó Sở Nội vụ ban hành công văn hướng dẫn số lượng định biên, chế độ chính sách và công tác đào tạo lực lượng CAX; Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự toán sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh xây dựng trụ sở làm việc cho công an 10 xã đặc biệt khó khăn, kinh phí phục vụ các mặt công tác của CAX… Căn cứ Nghị định 159 của Chính phủ về “Phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn”, UBND tỉnh đã xây dựng định biên lực lượng CAX trên địa bàn tỉnh như sau: đối với xã loại 1, loại 2 mỗi xã gồm trưởng, 2 phó trưởng CAX và 3 công an viên thường trực; mỗi thôn, buôn bố trí một công an viên. Riêng đối với thôn, buôn thuộc 70 xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự thì mỗi thôn, buôn được bố trí 2 công an viên. Từ việc bố trí định biên này, số lượng CAX của tỉnh hiện có là 3.911 người, tăng 1.506 đồng chí so với năm 2008; 100% CAX đã bố trí đủ 4 chức danh: trưởng, phó trưởng, công an viên thường trực và công an viên. Lực lượng công an xã được bố trí đúng, đủ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương, cơ sở trong tình hình mới.
Song song với việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ CAX trong sạch vững mạnh, từ năm 2008 đến nay Công an tỉnh phối hợp với các trường trung cấp của Bộ Công an, Trường Chính trị tỉnh mở 7 lớp đào tạo trung cấp nghiệp vụ, trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ này; 20 lớp bồi dưỡng chuyên ngành cho 2.514 CAX. Nhờ được đào tạo chính quy, bài bản, lực lượng CAX đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, quản lý hành chính tại địa phương, cơ sở. Hằng năm CAX phối hợp cấp đổi, cấp mới trên 10.000 sổ hộ khẩu; đăng ký tạm trú trên 2.000 hộ, với khoảng 17 nghìn khẩu; khai báo tạm vắng trên 1.000 khẩu, tiếp nhận lưu trú trên 200 nghìn lượt người. Đặc biệt trong 7 năm qua, CAX đã phối hợp với các lực lượng nắm tình hình, tham mưu giải quyết 11.117 vụ, việc xảy ra ở địa bàn; tiếp nhận, xử lý 17.133 tin báo có liên quan đến an ninh trật tự...
Để động viên, khuyến khích lực lượng CAX toàn tâm, toàn ý làm nhiệm vụ, hiện 100% trưởng CAX được hưởng lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; 100% phó trưởng công an xã, công an viên được hưởng phụ cấp theo quy định. Ngoài ra hằng năm UBND tỉnh còn cấp kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện phục vụ công tác cho lực lượng CAX, với kinh phí bình quân mỗi năm trên 850 triệu đồng và trên 3 tỷ đồng để mua sắm, cấp phát quân trang.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc