Những chuyến bay khó quên ngoài biển cả
Những chuyến bay tuần dương, quan sát, huấn luyện, diễn tập, cứu hộ cứu nạn trên biển, đảo của những phi công ở Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn 370 Phòng không Không quân đã góp phần quan trọng cùng với cán bộ, chiến sĩ Hải quân Trường Sa, DK1 bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Ngoài nhiệm vụ chính trị bảo vệ bình yên bầu trời Trường Sa, DK1, những người lính khoác áo màu da trời còn nhiệm vụ thiêng liêng khác là cứu hộ, cứu nạn. Dẫu nặng nề, gian khổ nhưng các chiến sĩ không quân luôn sẵn sàng ra khơi khi có lệnh bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nào…
Tìm nhà giàn trong mưa biển
Đến bây giờ - sau 12 năm kể từ ngày cầm vô lăng bay ra Nhà giàn DK1/10 từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), Thiếu tá Nguyễn Văn Thành vẫn không thể nào quên được cảm giác xúc động sung sướng rơi nước mắt khi tìm thấy nhà giàn trong mưa biển. Anh bảo người phi công không có hạnh phúc nào bằng là bay đến mục tiêu an toàn tuyệt đối. Chỉ đến lúc máy bay và người an toàn, phi công mới được phép thư giãn đầu óc và tiếp tục chuẩn bị tâm thế cho chặng đường bay mới.
Máy bay của Công ty bay dịch vụ miền Nam và tàu Hải quân Vùng 2 huấn luyện cứu nạn trên biển. |
Thiếu tá Thành kể lại: tháng 4-1995, anh và 6 đồng đội khác nhận nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) đến Nhà giàn DK1/10 thuộc Bãi cạn Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Đây là chặng đường không dài nhưng thời tiết khắc nghiệt, thường có giông tố bất ngờ và luồng gió mạnh bởi là vùng tiếp giáp giữa hai vùng biển Cà Mau và Philipines. Sau khi cất cánh, máy bay của anh bay đến điểm đỗ theo tiêu đồ chỉ dẫn. Khi được ¾ chặng đường, bỗng nhiên cơn giông biển bất ngờ ập đến. Mưa biển như trút nước, tầm nhìn hạn chế, máy bay chao đảo “lệch chuẩn” do chênh lệch luồng gió bất ngờ. Toàn bộ phía trước buồng lái là một màn mưa dày đặc. Ngồi trong buồng lái, có thể nghe rõ tiếng cánh quạt xé nước rầm rầm trên đầu.
Bằng kinh nghiệm và bản lĩnh người lính, Thiếu tá Thành bình tĩnh xử lý các thông số kỹ thuật như bật đèn pha sáng độ cao nhất, xử lý kính khi gặp mưa mù, mở radar quan sát ở chế độ tìm kiếm song vẫn không thấy nhà giàn đâu cả. “Lúc đó, quan sát qua cửa kính xuống phía dưới, không thấy đèn chớp từ nhà giàn báo hiệu, chỉ thấy một màn dày đặc mưa biển. Không còn cách nào khác, tôi phải cho máy bay bay thoát ra khỏi vùng giông mưa hơn 20 phút, sau đó bay vòng lại tìm kiếm nhà giàn. Khi bắt được tín hiệu đèn chớp và bảo đảm thật an toàn mới cho máy bay hạ cánh được. Chuyến bay đó quá nguy hiểm, nhưng nó là bài học về xử lý sự cố tìm mục tiêu trong mây mù, mưa biển đối với phi công”, anh Thành nhớ lại.
Cũng theo anh Thành, mặc dù bay biển không có vật che khuất tầm mắt, song nguy cơ mất an toàn cao hơn. Đặc biệt, bay cứu hộ cứu nạn trên biển bao giờ cũng gặp khó khăn gấp nhiều lần. Vì bay cứu hộ, cứu nạn thường vào mùa mưa bão, sóng to gió lớn. “Đã ngồi vào buồng lái là vào vị trí chiến đấu cao độ. Trong bất kỳ chuyến bay nào, tình huống nào, phi công cũng chuẩn bị vững tâm thế, nắm chắc và bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra bất ngờ, bằng mọi cách bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và máy bay”, Thiếu tá Thành khẳng định.
Cứu nạn đại dương
Trong nhiều nhiệm vụ bay biển, bay cứu hộ cứu nạn giữa đại dương được coi là nhiệm vụ phối hợp đặc biệt quan trọng của Quân chủng Phòng không không quân. Để cứu hộ, cứu nạn thành công trên biển, ngoài có bản lĩnh chính trị vững vàng, phi công còn bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe khác như: trình độ chuyên môn cao, chịu được áp lực tiếng ồn của động cơ, trí não có khả năng làm việc tập trung cao độ không bị phân tâm, nhanh nhạy xử lý linh hoạt các tình huống và luôn ở tư thế sẵn sàng hy sinh quên mình.
Máy bay của Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn 370 Phòng không - Không quân ra thăm cán bộ, chiến sĩ DK1/15. |
Thiếu tá Trần Văn Hồng ở Công ty bay dịch vụ Miền Nam đã gắn bó suốt thời gian quân ngũ với những chuyến bay biển Trường Sa, Nhà giàn DK1 và ra các giàn khoan dầu khí trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hàng trăm lần bay biển, anh nhớ nhất là lần phối hợp huấn luyện tìm kiếm cứu nạn ngư dân chìm tàu trên biển xa tại khu vực mỏ Đại Hùng. Máy bay của anh xuất phát từ sân bay Vũng Tàu. Theo tình huống chiến thuật, sau chặng bay 30 phút, máy bay phải “treo” ở tọa độ quy định và thả dây mồi xuống biển để cứu ngư dân gặp nạn do chìm tàu. Song đúng lúc đó, cơn lốc biển bất ngờ ập tới. Gió thổi mạnh, máy bay không sao “định vị” tại chỗ được. Để ngư dân gặp nạn không bơi lâu dưới biển, anh đã “treo” máy bay ở xa rồi thả dây mồi dài theo chiều gió và sóng, đồng thời thả thang dây sẵn sàng kéo ngư dân lên khoang bay. Khi vớt được, ngư dân gặp nạn đã bầm dập vì sóng quật và uống một bụng nước biển. “Nếu không có những tình huống thực tế như vậy, thì khi ngư dân gặp nạn sẽ lúng túng trong cứu vớt. Trong nhiều nhiệm vụ huấn luyện thì huấn luyện tìm kiếm cứu nạn ngoài biển xa là phức tạp nhất. Nếu nhân viên cứu hộ cần sức khỏe và kinh nghiệm thì phi công phải có bản lĩnh và kỹ năng lái “cừ chuẩn” mới hoàn thành nhiệm vụ. Bay ở biển, chỉ cần sơ sẩy một ly là máy bay đâm xuống biển, nguy cơ mất an toàn cao hơn trên bộ nhiều lần”, anh Hồng cho biết
Thiếu tá Trần Văn Hồng luôn tự hào về công việc của mình, dẫu không kém phần gian khổ: “Biển cũng là không phận mà Quân chủng Phòng không Không quân đảm nhiệm canh giữ. Bay biển huấn luyện chiến đấu hay cứu nạn, cứu hộ đều là nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ Tổ quốc, do vậy chúng tôi luôn sẵn sàng xuất kích, có lệnh là lên đường”.
Ngoài lực lượng bay của quân chủng Phòng không Không quân định kỳ tuần thám, kiểm tra, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên biển, từ tháng 12-2011, Quân chủng Hải quân có Phi đội bay Không quân Hải quân. Đây là những máy bay chuyên dụng hiện đại. Hằng năm, Phi đội bay này vẫn thực hiện các nhiệm vụ tuần dương, nghiên cứu thăm dò, cứu hộ, cứu nạn ngư dân, tàu thuyền gặp nạn trên biển. Những người lính không quân, hải quân trên những máy bay ấy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Họ luôn tự hào vì đã góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo, nhà giàn, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới. |
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc