Multimedia Đọc Báo in

Chuyện cứu nạn giữa trùng khơi

08:58, 27/11/2016

Nhiều ngư dân khai thác đánh bắt hải sản ở khu vực biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc chẳng may bị tai nạn trong khi lao động, hoặc vỡ lốc máy, tàu chìm, trôi dạt trên biển đã được cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân cứu giúp  kịp thời.

Việc cứu hộ cứu nạn không chỉ biểu hiện của tinh thần quả cảm, nhiệm vụ và sứ mệnh của người lính biển, mà cao hơn là tình người, tình đời giữa biển khơi ngàn trùng sóng gió

Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/14 cứu sống ngư dân Trương Minh Ý (SN 1994 ở ấp Tân Phước, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) bị trôi dạt trên biển. Chính trị viên Nhà giàn, Đại úy Phạm Văn Hoàng vẫn nhớ rõ thời điểm cán bộ, chiến sĩ vật lộn với sóng gió đưa anh Ý từ biển lên sàn nhà giàn. Đó là chiều 6-11, trong lúc bộ đội đang huấn luyện học tập như thường lệ thì chiến sĩ trực canh phát hiện có người trôi dạt trên biển. Qua ống kính TZK, chiến sĩ quan sát thấy một ngư dân đang bám vào tấm xốp nắp hầm cá màu xanh, chới với giữa sóng biển. Ngay lập tức, chỉ huy nhà giàn cử tổ cấp cứu nhanh, làm công tác chuẩn bị cứu người khẩn cấp. Cáng chuyên dụng, thuốc cấp cứu được triển khai. Lúc này, ngư dân Ý bám vào mảng phao trôi dạt cách nhà giàn DK1/14 gần 100 mét. Áp thấp nhiệt đới khiến biển động dữ dội, những con sóng lừng lững dâng cao như quả núi rồi đổ ập nhấn chìm ngư dân Ý trong sóng biển.

Y sĩ Nhà giàn DK1/14 chăm sóc sức khỏe cho ngư dân Trương Minh Ý.
Y sĩ Nhà giàn DK1/14 chăm sóc sức khỏe cho ngư dân Trương Minh Ý. Ảnh: V. Hoàng

 “Xuất phát”- mệnh lệnh cứu người từ Chỉ huy trưởng nhà giàn phát ra, ba chiến sĩ mặc áo phao chuyên dụng, cầm theo dây mồi, phao tròn nhảy xuống biển bơi xuôi dòng nước ra chỗ người ngư dân. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn tăng cường quan sát bằng kính TZK và thông báo với tàu trực sẵn sàng cứu nạn đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Khi tiếp cận được người bị nạn, ba chiến sĩ đã dìu anh Ý vào sát chân đế nhà giàn. Chỉ huy nhà giàn lệnh cho quân y thả cáng chuyên dụng sát mặt nước. Lợi dụng lúc sóng dâng cao, ba chiến sĩ nâng người anh Ý đặt lên cáng, cố định vững chắc để các chiến sĩ trên nhà giàn kéo lên sàn cập tàu, sau đó chuyển lên sàn công tác cấp cứu. “Khi đưa lên sàn cập tàu, anh Ý ngất luôn. Chúng tôi chuyển lên sàn công tác và cấp cứu tại chỗ như hô hấp nhân tạo, tiêm thuốc trợ lực, ủ ấm”, chiến sĩ quân y của nhà giàn cho biết.

Sau vài ngày được cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/14 chăm sóc, sức khỏe anh Ý hồi phục và sẵn sàng lên tàu về đất liền.

Những trường hợp ngư dân gặp nạn giữa biển và được cán bộ, chiến sĩ nhà giàn cứu sống không phải là hiếm. Trước đó, vào ngày 16-10, cũng tại cụm Nhà giàn Tư Chính, Nhà giàn DK1/11 do Trung tá Kim Văn Mệnh, Chỉ huy trưởng đã cứu sống ngư dân Dương Ngọc Sơn  (42 tuổi, quê ở Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) đã bị trục cáp lưới trên tàu cá dập làm gãy chân trái. Sau khi được các chiến sĩ nhà giàn cấp cứu, ngư dân Sơn đã trở lại tàu cá và về đất liền tiếp tục chữa trị.

Tàu của Vùng 2 Hải quân lai dắt tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển về cảng Vũng Tàu. Ảnh: Mai Thắng
Tàu của Vùng 2 Hải quân lai dắt tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển về cảng Vũng Tàu. Ảnh: Mai Thắng

Đại úy Phạm Văn Hoàng, Chính trị viên Nhà giàn DK1/14 tâm sự: “Trong bất luận điều kiện thời tiết nào, khi phát hiện có tàu cá, ngư dân gặp nạn, cán bộ chiến sĩ nhà giàn phải tổ chức cứu vớt. Đó vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm; vừa thể hiện tình cảm giữa quân và dân. Giữa biển khơi sóng gió, cứu người là quan trọng nhất. Từ nhiều năm nay, các nhà giàn DK1 là điểm tựa vững chắc của ngư dân đánh bắt xa bờ”.

Quả thật, 15 nhà giàn DK1 đóng trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, ngoài nhiệm vụ canh biển giữ vững chủ quyền, còn là một “pháo đài thép” và chỗ dựa vững chắc cho ghe tàu của ngư dân Việt Nam ra đây đánh bắt hải sản. Dù đánh bắt ở tọa độ nào, các ghe cá vẫn lấy nhà giàn làm “định vị” để xác định hướng đi. Giữa đêm tối mịt mùng, nhìn thấy ánh đèn hải đăng chớp trên nóc nhà giàn, ngư dân thấy ấm lòng; khi sóng to gió lớn, neo đậu cạnh nhà giàn thấy yên tâm; khi gặp hoạn nạn thì được các chiến sĩ nhà giàn cấp cứu, đón tiếp như người thân thiết.       

Với cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1, mỗi lần cứu sống được một ngư dân, hỗ trợ nước ngọt, muối ăn, quần áo lao động cho một ghe đánh cá là niềm vui lại nhân lên gấp bội. Bởi các anh hiểu rằng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng chính là bảo vệ môi trường hòa bình cho ngư dân, cấp cứu ngư dân gặp hoạn nạn trên biển là mệnh lệnh từ trái tim người lính nơi tuyến đầu sóng gió. 

 

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.