Multimedia Đọc Báo in

Chuyện loa đài trong diễn tập

16:01, 26/11/2016

Với các cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk, diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh PT-16 vừa qua thực sự là cuộc “thử sức” lớn, khi họ vừa thực hiện nhiều đầu việc như các ngành khác vừa phải bảo đảm hàng chục hệ thống âm thanh, loa máy phục vụ diễn tập.

Chỉ ai trong nghề “cờ, đèn, kèn, trống” mới hiểu, việc phải thức khuya dậy sớm, chạy đôn chạy đáo suốt cả tháng trời để bố trí hàng trăm pa-nô, cờ, khẩu hiệu, ma két, khánh tiết phục vụ các hội nghị, nhanh chóng đưa tin phản ánh “sức nóng” của cuộc diễn tập trên hệ thống phát thanh nội bộ… chẳng thấm tháp vào đâu với việc phải bảo đảm âm thanh, loa máy. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngoài việc huy động “vốn tự có”, cán bộ - nhân viên tuyên huấn phải chạy ngược chạy xuôi đi “mượn” khắp nơi về chắp nối lại với nhau.

Nhân viên Ban Tuyên huấn (Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra hệ thống âm thanh  phục vụ diễn tập.
Nhân viên Ban Tuyên huấn (Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra hệ thống âm thanh phục vụ diễn tập.
Để bảo đảm yêu cầu diễn tập, phải bố trí đồng thời hàng chục hệ thống âm thanh ở các vị trí khác nhau. Yêu cầu đặt ra là âm thanh phải thông suốt giữa các điểm cầu, có người túc trực, hiệu chỉnh nhưng vẫn bảo đảm tính “bí mật”,  tuyệt đối không để lọt nội dung ra ngoài. Chính vì thế, không có dịch vụ cho thuê loa máy nào trên thị trường có thể đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe này.

Khó khăn nhất là Sở chỉ huy thường xuyên và Sở chỉ huy A2 cách nhau tới hơn 400 m, nếu sử dụng dây điện thông thường chắc chắn tín hiệu đường truyền sẽ không bảo đảm vì khoảng cách quá xa. Đi khảo sát giá hệ thống cáp quang, anh em tuyên huấn vã mồ hôi vì không thể nào kham nổi. Bí quá, các anh đánh liều đặt vấn đề “thuê nóng” của cửa hàng với cam kết “giữ tốt, dùng bền, dùng xong trả ngay”. Những ngày diễn tập, tại các “điểm cầu” đều có nhân viên tuyên huấn túc trực, kịp thời xử trí các tình huống bất trắc và điều chỉnh âm thanh, loa máy phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy. Với các ngành khác, khi tiếng súng cuối cùng của phần thực binh bắn đạn thật vang lên là có thể thở phào nhẹ nhõm, còn với ngành tuyên huấn, chỉ khi nhận xét, trao thưởng, thu dây, thu máy, bàn giao trang bị xong xuôi, thuận buồm xuôi gió anh em mới hết lo lắng.

Thiếu tá Cao Xuân Đức, Trưởng Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị (Bộ CHQS tỉnh) chia sẻ: “Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho anh em tuyên huấn. Diễn tập vất vả, căng thẳng nhưng giúp chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm rất thiết thực. Được góp phần nhỏ bé vào thành công chung của diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh PT-16 là niềm vui, hạnh phúc rất lớn của chúng tôi”. 

 

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.