Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn tỉnh
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, trước hết là đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nhằm thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ quan trọng này.
Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục quốc phòng
Việc giáo dục, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự được chú trọng thực hiện thường xuyên; trọng tâm là Nghị quyết số 28 - NQ/TW của Bộ Chính trị về "tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới"; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh”, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Bên cạnh đó, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh chặt chẽ, phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn, đạt hiệu quả thiết thực.
Trường Quân sự địa phương tỉnh tổ chức kiểm tra tốt nghiệp đối với học viên lớp Sĩ quan dự bị khóa 8. Ảnh: V.Điệp |
Tỉnh yêu cầu Bộ CHQS tỉnh (cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh của tỉnh) phải chỉ đạo chặt chẽ công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, bảo đảm tính toàn diện, tập trung vào đối tượng chính và không để sót đối tượng, gắn với mở rộng đối tượng, sát với tình hình, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ở từng địa phương; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng cập nhật thực tiễn, phục vụ thiết thực nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của tỉnh. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Quân sự địa phương tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đối tượng 3 và sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn.
Công tác giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên được đổi mới theo hướng sinh động hơn như: giáo dục về truyền thống cách mạng của địa phương gắn với các hoạt động về nguồn và phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức hội thi, hội thao quốc phòng và an ninh cho các trường phổ thông; phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức chương trình “Học kỳ Quân đội” và “Trải nghiệm làm chiến sĩ”.
Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được quan tâm thực hiện. Nội dung bồi dưỡng cập nhật và đi sâu vào một số vấn đề cơ bản về Luật Biên giới quốc gia; Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”; xây dựng buôn, thôn vững mạnh toàn diện.
Lãnh đạo Trường Quân sự địa phương tỉnh tặng quà gia đình chính sách dịp Tết Bính thân 2016. Ảnh: V.Điệp |
Bên cạnh đó, các đơn vị quân đội, các đồn, trạm biên phòng còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương kết hợp với thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục quốc phòng và an ninh. Lực lượng vũ trang tỉnh đã gắn các hoạt động đối ngoại quân sự với tuyên truyền cho đồng bào vùng biên giới về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh. Nổi bật là Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án 84 (theo Chỉ thị số 84-CT/BQP ngày 15-6-2015 của Bộ Quốc phòng về xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, bảo vệ và phát triển rừng vành đai đến năm 2020) và thực hiện các chương trình: giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng biên giới, xây dựng “cột mốc lòng dân”, “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở.
Trong năm 2016 toàn tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho 317 cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, mở rộng đối tượng bồi dưỡng 85 chức sắc, chức việc các tôn giáo và hàng nghìn cán bộ công đoàn, đoàn viên ưu tú, công nhân các khu công nghiệp...; hoàn thành chương trình môn học kiến thức giáo dục quốc phòng cho 69.595 học sinh, sinh viên; làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức giáo dục quốc phòng và an ninh cho đội ngũ giáo viên quân sự các nhà trường. |
Đại tá Trần Ngọc Sương (Chính ủy Trường Quân sự địa phương tỉnh)
Ý kiến bạn đọc