Lính công binh giữa thời bình
Rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh để trả lại màu xanh cho đất; lội suối băng rừng, chịu đựng khó khăn gian khổ xây dựng các công trình phòng thủ, cắm mốc tuần tra bên giới là những nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh (Bộ CHQS tỉnh) giữa thời bình…
Chiến tranh đã lùi xa, Đắk Lắk đang từng ngày thay da đổi thịt song vết thương chiến tranh vẫn còn nhức nhối bởi nhiều diện tích đất đai vẫn còn sót lại bom mìn. Ít ai biết được rằng, để có mỗi mét vuông đất sạch trả lại cho cuộc sống, không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh đã đổ xuống. Nhiệm vụ của lính công binh thời nào cũng vậy, rất vất vả, hiểm nguy, với họ mỗi lần xuất quân đều là một trận chiến đấu thực sự. Bom mìn sau khi thu gom phải phân loại và đưa về tập kết tại địa điểm quy định, có người canh phòng cẩn mật. Rà phá, thu gom bom đạn đã khó, vận chuyển chúng ra khỏi thành phố trên những chiếc xe chuyên dụng đến nơi tiêu hủy cũng khó khăn, nguy hiểm chẳng kém gì. Một cú phanh gấp, một viên đá nhỏ, một chiếc ổ gà trên đường nếu không kịp tránh cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Thượng úy Lâm Khánh Đình, Chính trị viên Đại đội Công binh cho biết: “Hiện nay, được sự quan tâm đầu tư của cấp trên, đơn vị được biên chế nhiều trang thiết bị khá hiện đại, tuy nhiên với bom đạn, sự nguy hiểm luôn tiềm tàng dù bị vùi lấp cả chục năm. Có những loại như đạn casxet chỉ cần một lực nhỏ khoảng 0,5 kg đè lên là nổ ngay, có thể gây thương vong bất cứ lúc nào. Chúng tôi giáo dục, quán triệt rất kỹ cho bộ đội về quy tắc an toàn, tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn gian khổ”.
Chiến sĩ Đại đội Công binh (Bộ CHQS tỉnh) dò tìm, thu gom đạn pháo tại phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột). |
Tròn 3 năm tuổi quân, chàng đảng viên trẻ trung sĩ Nguyễn Xuân Phước có thâm niên hơn 2 năm công tác tại Đại đội Công binh. Cao to, xông xáo, trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ một tiểu đội trưởng “cứng” anh được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm chức danh Trung đội phó Trung đội 1. Tết này sẽ xuất ngũ, nhìn lại quãng thời gian công tác, Phước tự hào “Em từng tham gia rà phá bom mìn, xây dựng hàng chục công trình các loại. Quanh năm suốt tháng tắm suối, ngủ rừng nên cũng có lần bị “dính” sốt rét, cảm giác kinh khủng lắm. Thế nhưng vừa dứt sốt, nhớ đồng đội, nhớ rừng không chịu được em lại nằng nặc xin các bác sĩ cho về đơn vị. Mai này, được thăm lại những mảnh đất trước kia đầy rẫy bom đạn, nhờ bàn tay người lính công binh, trong đó có phần nhỏ bé công sức của em để bây giờ các nhà máy, xí nghiệp mọc lên chắc em sẽ hạnh phúc, sung sướng lắm”.
Trong công việc chúng tôi không được phép mắc phải sai lầm, chỉ sơ xảy một chút sẽ ân hận cả đời. Để trở thành một người lính công binh thực thụ, ngoài trình độ, sức khỏe dẻo dai rất cần có lòng yêu nghề và bản lĩnh vững vàng
Thượng úy Trần Mỹ Tính,Trung đội trưởng Trung đội 1 Đại đội Công binh
|
Địa bàn thi công của bộ đội công binh đa phần ở vùng sâu vùng xa, có nhiều núi cao, dốc đứng, rắn độc, sình lầy. Ở rừng mùa nào cũng khổ, nhưng khổ nhất vẫn là mùa khô, nước ăn, nước tắm phải tiết kiệm từng lít một. Đôi mắt trũng sâu, làn da sạm nắng nhưng nụ cười luôn tỏa sáng trong tâm hồn lạc quan, yêu đời của những người lính công binh. Nhớ cách đây mấy năm, từ Buôn Ma Thuột chúng tôi ngồi xe U-oát vượt hơn trăm ki-lô-mét đường nhựa, cuốc bộ thêm cả chục cây số đường rừng để đến với các chiến sĩ công binh đang thi công công trình phòng thủ tại tọa độ X. Trong những lán trại đơn sơ giữa rừng, mọi nền nếp, chế độ vẫn được đơn vị thực hiện nghiêm túc, chính quy, ba lô con cóc, nội vụ vệ sinh rất gọn gàng, ngăn nắp. Vừa bước vào đường hầm bí mật, dù khối thuốc nổ hơn 5 kg đã được kích nổ từ lâu nhưng mùi khói thuốc vẫn còn sặc sụa, khói bụi mù mịt xông vào mắt rất khó chịu. Vậy mà những người lính công binh ngày nào cũng phải làm việc trong hầm từ 8 - 10 tiếng đồng hồ để đánh thuốc nổ, chuyển đất đá ra ngoài, chèn gỗ chống đường hầm, đánh vữa đảo hồ, vá đá, đổ bê tông… Có lần nửa đêm trời mưa to gió lớn, mẻ bê tông vừa đổ lúc chiều chưa kịp khô, đang nằm trong chăn ấm họ vùng dậy mỗi người mỗi việc lo che chắn, bảo vệ công trình. Xong việc ai nấy cũng rét run, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập.
Nhiệm vụ thu gom, dọn sạch bom mìn của người lính công binh rất vất vả, nguy hiểm. |
Đưa tay xé những tờ lịch cuối cùng của năm, trung sĩ Đinh Nguyễn Công Hải cười tươi: “Nhà em nằm ngay cạnh căn cứ quân sự của ngụy ngày xưa nên bom mìn sót lại khá nhiều. Người dân khi cuốc đất trồng rau hay sau mỗi trận mưa lớn kiểu gì cũng có vài quả đạn, mảnh pháo lộ ra. Lúc bé tụi em hay đi nhặt vỏ đạn đem bán cho mấy hàng đồng nát. Có lần em nhặt được quả đạn pháo nặng hàng chục ký, thế nhưng khi ra bán họ không chịu mua vì vẫn còn nguyên thuốc nổ. Tiếc của, em về nhà lấy búa ra đục, may mà bố em phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Giờ vào bộ đội rồi mới biết ngày xưa mình đúng là “điếc không sợ súng”. Dịp về phép, em mua quà chia cho tụi trẻ con trong xóm rồi dặn dò “Tụi em ở nhà lo học hành, chớ có đi đào nhôm nhựa bán linh tinh, nguy hiểm lắm”. Thấy tụi nhỏ chưa ngấm, em phải lên mạng kiếm mấy bộ phim tư liệu về hậu quả bom mìn mở cho tụi nó coi. Xem xong đứa nào cũng sợ xanh mặt..."
Với các chiến sĩ công binh, lời người xưa “tấc đất tấc vàng” đúng hơn bao giờ hết, trong mỗi mét đất ô nhiễm bom mìn vừa được làm sạch có sự kết tinh của mồ hôi, nước mắt và cả máu chính các anh. Họ đang từng ngày, từng giờ “vô hiệu hóa tử thần” để mang lại màu xanh, mang lại cuộc sống yên bình cho mọi người.
Việt Hùng
Ý kiến bạn đọc