Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn từ phong trào thi đua Quyết thắng

07:28, 18/03/2017

Giải pháp cung cấp nước sạch; lắp ráp, đưa dây chuyền sản xuất nước tinh khiết vào sử dụng; đoạt nhiều giải thưởng lớn do Bộ Quốc phòng tổ chức… là những dấu ấn đặc biệt từ phong trào thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh thời gian qua.

Phát huy sức mạnh nội lực

Những ai đã từng đến thăm Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, Trường Quân sự tỉnh, Trung đoàn 584… đều cảm nhận thấy được sự chuyển mình rõ nét của các đơn vị trong việc thay đổi diện mạo chung, đặc biệt là xây dựng cảnh quan môi trường. 

Có được điều đó, ngoài sự quan tâm của cấp trên, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cân đối nguồn kinh phí được cấp, quỹ vốn đơn vị kết hợp sử dụng công sức của cán bộ, chiến sĩ trong giờ nghỉ, ngày nghỉ.

Tại Bộ CHQS tỉnh, cảnh quan doanh trại như một hoa viên, với đa dạng loài hoa, cây cảnh được cắt tỉa công phu, đẹp mắt, do chính tay “nghệ nhân” lính trổ tài... Nhằm tạo không gian tươi mát, thân thiện cho môi trường làm việc, bộ đội đã không quản khó khăn, san lấp mặt bằng, xây dựng sân bãi, hệ thống đường nội bộ, mua sắm cây cảnh, các loại cây ăn quả, xây dựng nơi vui chơi, giải trí… với hàng nghìn ngày công, tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Đặc biệt, đơn vị còn dành một khu đất rộng để trồng các loại cây gỗ quý, trong tương lai gần không chỉ tạo bóng mát, bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn giúp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ biết, giữ gìn và bảo tồn các loại gỗ quý này.

Với giải pháp kết hợp giữa kinh phí cấp trên cấp với công sức của cán bộ, chiến sĩ, đến nay, doanh trại và cảnh quan tại Bộ CHQS tỉnh, Trường Quân sự tỉnh, Trung đoàn 584, Ban CHQS các huyện: Ea Kar, Krông Pắc, Buôn Hồ, Cư Kuin, Buôn Đôn… đã được xây dựng chính quy, xanh, sạch, đẹp. Các đơn vị: M’Đrắk, Krông Búk, Ea Súp cảnh quan môi trường văn hóa cũng đang dần được củng cố, bổ sung.

Dây chuyền nước tinh khiết

Khi đến thăm cơ quan, thao trường thực binh bắn đạn thật tại diễn tập khu vực phòng thủ năm 2016, hay tại bất cứ hội nghị, sự kiện nào do đơn vị tổ chức, mọi người khá ấn tượng bởi ở đó đều sử dụng nước tinh khiết mang thương hiệu Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh.

Xuất phát của dây chuyền sản xuất nước tinh khiết được bắt đầu từ việc bảo đảm nước sạch cho bộ đội trong diễn tập khu vực phòng thủ năm 2016. Vì thời gian diễn tập trúng mùa mưa dầm, nước ngầm ở khu vực thao trường thực binh bắn đạn thật bị nhiễm vôi nặng, quân số tham gia rất đông và ở lại thao trường dài ngày nên việc bảo đảm nước sạch cho bộ đội ăn, uống gặp không ít khó khăn. Để giải quyết bài toán trên, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức vận chuyển nước sạch cách thao trường khoảng 10 km về doanh trại; đồng thời xin kinh phí địa phương để lắp ráp dây chuyền sản xuất nước tinh khiết.

Dây chuyền sản xuất nước tinh khiết của Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh.
Dây chuyền sản xuất nước tinh khiết của Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh.

Với cách làm này, đơn vị đã góp phần rất lớn trong việc cung cấp nước uống đóng bình 20 lít và đóng chai 350 ml cho lực lượng vũ trang tham gia huấn luyện trên thao trường. Nhờ đó, lực lượng đảm nhiệm công tác hậu cần cũng giảm được rất nhiều thời gian đun nấu; góp phần bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ huấn luyện dài ngày và thực binh bắn đạn thật đạt kết quả tốt.

Trung tá Nguyễn Phúc Thuần, Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh) cho biết, cơ sở sản xuất nước tinh khiết của đơn vị dù mới hoạt động từ tháng 10-2016, nhưng mỗi ngày đã cung cấp khoảng 1.500 lít nước tinh khiết cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Việc xây dựng thành công dây chuyền sản xuất nước tinh khiết “cây nhà lá vườn” đã giảm đáng kể chi phí so với mua ở bên ngoài thị trường, tiết kiệm đáng kể nguồn tài chính cho đơn vị.

Giải hạn mùa khô

Bên cạnh việc sản xuất nước tinh khiết, Bộ CHQS tỉnh còn có nhiều giải pháp hay nhằm cung cấp nước sạch, sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân trên một số địa bàn tỉnh.

Còn nhớ mùa khô năm 2016, Đắk Lắk bị hạn hán nặng, nhiều địa phương của tỉnh bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. San sẻ khó khăn cùng bà con, Bộ CHQS tỉnh đã đầu tư xây dựng 1 giếng khoan và máy bơm với khoảng 100 triệu đồng để cung cấp nước tập trung cho nhân dân thôn Kiên Cường (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột).

Cùng với đó, Ban CHQS huyện Lắk cũng đã đầu tư làm đường ống dẫn nước sạch miễn phí từ giếng khoan của đơn vị cho các hộ dân thị trấn Liên Sơn. Góp phần giải quyết nước sản xuất vụ lúa hè thu, Ban CHQS các huyện Buôn Đôn, Cư Kuin tổ chức khơi thông hệ thống kênh, mương, cứu hạn cho các cánh đồng… 

Ngoài những mô hình, cách làm hay nói trên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh còn đạt nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội thao do Bộ Quốc phòng, Quân khu và địa phương tổ chức. Chỉ tính riêng năm 2016, đơn vị đã đoạt giải Nhất tại Hội thi Chủ nhiệm hậu cần giỏi toàn quân; Huy chương Bạc trong Liên hoan Phát thanh và Truyền hình toàn quân; 2 sáng kiến mô hình học cụ đoạt giải Ba cấp Quân khu…       

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.