Chuyên gia đầu tiên được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình (quê ở Thái Nguyên) là một trong số những chuyên gia đầu tiên của Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế, giúp bạn Campuchia trong thời điểm bạn khó khăn nhất và đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước Campuchia… Quãng thời gian dài 6 năm công tác gắn bó trên đất nước bạn đã để lại những ký ức khó phai trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Khi vừa tròn 18 tuổi, thanh niên Nguyễn Văn Bình tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 32, Quân đoàn 246, Quân khu Việt Bắc. Kết thúc thời gian huấn luyện 2 năm, năm 1974 đơn vị ông được điều động vào Nam chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên (các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk), biên chế tập trung ở Đại đội 141, Trung đoàn 25, Quân khu 5. Cùng với các lực lượng khác, đơn vị ông đã có những đóng góp quan trọng trên chiến trường Tây Nguyên, mở màn cho cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Văn Bình và tấm Huân chương Bảo vệ Tổ quốc do Nhà nước Campuchia tặng. |
Sau ngày 30-4-1975, ông tiếp tục ở lại quân ngũ, làm nhiệm vụ truy quét Fulrô trên địa bàn huyện Krông Pắc. Đầu năm 1978, ông được cử đi học Trường Hậu cần, Quân khu 5. Tháng 12-1978 là thời điểm đánh dấu ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp khi ông được cử sang giúp bạn Campuchia. Cuối tháng 12 năm đó, đoàn chuyên gia đầu tiên của Việt Nam gồm 3 thành viên lên đường, làm nhiệm vụ quốc tế. Sau 7 ngày đêm băng rừng lội suối, đoàn mới đến được tỉnh Mundulkiri, bấy giờ ông mới biết nhiệm vụ chính của mình là giúp bạn làm công tác quân nhu, bảo đảm lương thực, thực phẩm, quân tư trang cho lực lượng vũ trang tỉnh Mundunkiri.
Những ngày đầu đặt chân lên đất nước Campuchia, chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất của đơn vị bạn cũng như trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe người dân kể về cuộc sống khốn khổ dưới chế độ Pôn Pốt, ông càng cảm nhận được ý nghĩa, giá trị của nền độc lập, tự do. Từ đó với trách nhiệm, tình cảm của người đồng chí, đồng đội, trên tinh thần quốc tế cao cả, ông đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh giúp bạn củng cố, xây dựng lực lượng, ổn định doanh trại. Tuy không trực tiếp cầm súng, chiến đấu giúp bạn chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt, song bộ phận quân nhu, hậu cần của ông lại đóng vai trò quan trọng trong cung cấp, tiếp tế lương thực, thực phẩm, bảo đảm đầy đủ cho tiền tuyến chiến đấu. Ông kể lại kỷ niệm, có một lần đi nhận lương thực, thực phẩm, trên đường về thì bị trận mưa lịch sử ròng rã 25 ngày, đường lầy lội, không thể di chuyển, và cũng bằng ngần ấy thời gian, đoàn phải bám trụ ở rừng sâu, không màng tính mạng có thể bị nguy hiểm để dùng mọi cách cứu lương thực, thực phẩm quý giá khỏi hư hỏng. Nhưng dấu ấn sâu sắc nhất mà ông không thể nào quên trong quá trình công tác ở đất nước bạn đó chính là tình cảm chân tình, quý trọng của người dân địa phương đối với những chuyên gia Việt Nam, khi họ sẵn sàng bảo vệ, giúp đỡ để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đến ngày 7-1-1979, với sự giúp đỡ chí tình của quân tình nguyện Việt Nam, đất nước Campuchia được giải phóng, nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Một lần nữa ông lại là người trong cuộc để chứng kiến, cảm nhận, hòa chung niềm vui khôn tả với nhân dân đất nước bạn. Sau đó ông tiếp tục lưu lại, giúp bạn xây dựng, tái thiết đất nước từ đống tro tàn. Đến tháng 4-1985, khi đã hoàn thành trọng trách giúp bạn, ông về nước tiếp tục phục vụ quân ngũ đến năm 2006 thì về hưu. Trong cuộc đời binh nghiệp 34 năm cống hiến, phục vụ cho đất nước, trong đó có 6 năm làm nhiệm vụ trên nước bạn Campuchia, phần thưởng cao quý nhất mà ông có được là tấm Huân chương Bảo vệ Tổ quốc do Nhà nước Campuchia trao tặng và ông luôn xem như một “bảo vật” trân trọng, giữ gìn.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc