Đến Bo Heng mùa này
Đến Bo Heng dịp cuối mùa khô nên dù đêm hay ngày đều thấy oi bức.
Bo Heng là tên dãy núi cũng là tên của đồn biên phòng mang phiên hiệu 747, nằm giữa Đồn Sêrêpốk – phiên hiệu 743 và Đồn Yok Đôn – phiên hiệu 749. Đồn quản lý đường biên dài 15,3 km, chiều sâu 33 km, tương đương khoảng 500 km2. Thường xuyên có tổ chốt cột mốc là 5 người, còn lại thay nhau tuần tra ngày đêm. Nẻo mòn chân nát đá, cây rừng cào xước da, nắng cháy táp mặt hay mưa quất đầu tùy theo mùa.
Cán bộ, chiến sĩ từ nhiều miền quê hội tụ về Bo Heng, trấn giữ một đoạn phên giậu nơi biên cương. Đồn trưởng là Trung tá Nguyễn Xuân Chiến, quê ở Thái Bình, vào Đắk Lắk năm 2012. Chính trị viên là Trung tá Phạm Đức Khá, quê ở Hải Dương về đồn năm 2015. Đồn phó nghiệp vụ, Đại úy Nguyễn Xuân Bảy, quê ở Nghệ An. Lái xe của đồn là người ở Đắk Nông. Một số là người tỉnh ngoài, còn lại là ở Đắk Lắk, trong đó có cả chiến sĩ mới nhập ngũ đầu năm 2017.
Tôi được ưu tiên ở phòng của Thiếu tá đồn phó quân sự Y Vang Niê, người Êđê hiện đi công tác vắng. Phòng có cả quạt máy, điều hòa nhiệt độ, bàn làm việc đàng hoàng. Chắc là ưu tiên người lính già đầu bạc, không phải kể chuyện Nguyên Phong đời Trần mà là kể lại năm ở rừng Đắk Lắk trước khi giải phóng Buôn Ma Thuột. Nhà thơ Lê Đình Liệu ở phòng với Thiếu tá Y Vinh Adrơng, là chính trị viên phó của đồn, theo sát chúng tôi trong cuộc hành trình vui vẻ, trẻ trung, sôi nổi. Bố của Y Vinh là người buôn Briêng, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo), tập kết ra Bắc quen cô y tá ở nông trường chè Quỳ Hợp (Nghệ An) nên duyên vợ chồng, sinh được 3 con trai ở Quỳ Hợp thì chuyển lên nông trường chè Mộc Châu (Sơn La) sinh thêm một người con gái. Sau giải phóng, gia đình về quê hương ở xã Đoàn Kết, huyện Krông Búk để năm 1978 có Y Vinh. Thế là 5 anh em sinh ở ba nơi: Nghệ An, Tây Bắc, Tây Nguyên. Y Vinh lấy vợ người Thái Bình, là cô giáo Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột. Có thể coi gia đình Y Vinh là sự đoàn kết nhiều vùng miền, gắn bó dân tộc anh em.
Đoàn thanh niên Cụm thi đua số 4 (Khối các cơ quan tỉnh) đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng. Ảnh: Q.Anh |
Chiều đã bớt nóng, nhưng nơi biên cương vẫn còn nắng quái chiều hôm, xiên chéo mặt người, gió khô táp mặt. Chúng tôi đi tìm con đập ngăn suối Đắk Đam. Chuyện kể rằng có người đồn trưởng Đồn Bo Heng được điều về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cảm thông với nỗi gian nan của chiến sĩ nơi đây đã cho xây dựng đập để có nước sinh hoạt. Một nghĩa cử chan chứa ân tình. Bây giờ nước ở đập chỉ bơm vào bể tắm giặt, còn ăn uống đều dùng nước mưa với 6 bể chứa nước từ 100 – 300 m3, tổng khối lượng khoảng 1.000 m3 nên nước mưa từ 2016 vẫn còn dùng cho năm 2017. Trong các bể chứa, ngoài việc đầu tư của tỉnh còn có các đơn vị kết nghĩa xây tặng như các trường học và UBND TP. Buôn Ma Thuột. Tình nghĩa quân dân sâu nặng và lòng biết ơn của hậu phương với chiến sĩ biên cương. Đồn cũng là nơi kiểm lâm đi tuần rừng thường ghé qua. Cao điểm mùa khô lo cháy rừng, đâu dám lơ là, đồn thành điểm tựa.
Ngày chúng tôi ở đồn có may mắn được gặp chiến sĩ công binh, kỹ thuật xây dựng cột mốc hoàn thành công đoạn cuối cùng. Đồn Bo Heng có tới 3 mốc. Mốc 1 bên ta, mốc 2 bên bạn, mốc 3 là đường phân thủy. Tổ chốt cột mốc thường có 5 người. Cột mốc số 46, phía bên ta là mốc số 1 nên ghi đầy đủ là 46 (1). Phía bên bạn là Đồn Com Bay Đom Rây thuộc xã Xlehui, Cô Nhéc, Mundulkiri. Nói thì dễ, làm mới khó. Từ việc dò mìn, phát cây cho quang các mốc, dùng bè chở nguyên vật liệu qua dòng Đắk Đam đến việc khơi dòng quanh cột mốc để nước lũ mùa mưa khỏi xối vào cũng là cả tâm huyết, mà bên ta làm là chính, bởi giúp bạn là giúp mình cho nên không có gì lạ khi ta kéo đường điện sang đồn của bạn. Khi bạn gặp khó khăn, kể cả tấm lợp hay lương thực, thực phẩm ta cũng sẻ chia.
Tôi có may mắn được thăm đồn Lũng Cú, Hà Giang, được đưa lên thăm cột cờ Lũng Cú. Ly rượu đầu tiên các bạn Hà Giang mời tôi, một nửa tôi rưới vào chân cột, một nửa hắt lên trời cao, nơi lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang tung bay để cảm tạ đất trời. Tôi cũng tới Đất Mũi Cà Mau, mỏm chót của dải đất hình chữ S mà Nguyễn Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Cà Mau cố tìm khuôn hình đẹp nhất cho tôi nơi Đất Mũi. Bây giờ đến cột mốc Đồn Bo Heng, dù chụp hình ở nơi nào, đã là nơi biên cương cũng rưng rưng cảm động. Lòng trào dâng niềm biết ơn chân thành những bậc tiền nhân đã để lại cho ta non sông gấm vóc này. Cũng chưa xa lắm, năm 1976, có 96 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 12 được điều về làm nhiệm vụ biên phòng Đắk Lắk. Đại đội 5 (C5) – một bộ phận của Tiểu đoàn 12 là đơn vị tiền thân của Đồn Biên phòng Bo Heng. Bao nhiêu người đã hy sinh trong chiến tranh biên giới hay đã mất. Chẳng có hương thì lòng tôi là tâm nhang cháy đỏ cùng mấy nhánh hoa rừng rải bên cột mốc để tỏ lòng kính quý.
Lững thững đi dọc sân, từ cửa ra tới cổng, đọc lần lượt các tấm panô để thấy sự quyết tâm từ khẩu hiệu chuyển thành hành động. Có nhiều chữ in đậm trong tôi, nhưng tôi nhớ nhất tấm panô tròn 10 chữ khái quát: “Đoàn kết, xung kích, sáng tạo, kỷ luật, quyết thắng”. Nhiều năm đồn được Bộ Tư lệnh tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng, nhiều bằng khen của UBND tỉnh. Từ năm 1996 được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Tôi rời Bo Heng trong tâm trạng nôn nao. Các bạn tôi cũng vậy, nửa muốn ở lại, nhưng lịch trình đã định. Tất cả cùng nói lời tạm biệt, hẹn ngày gặp lại vì biên cương là một phần máu thịt của Tổ quốc và của chính mình.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc