Multimedia Đọc Báo in

Giúp tân binh "gỡ rối"...

14:00, 26/04/2017

Đợt huấn luyện chiến sĩ mới năm 2017, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh) đón nhận hơn 100 tân binh. Mặc dù đến từ nhiều địa phương và mỗi người có tâm tư, tình cảm khác nhau nhưng khi về đây họ trở thành người một nhà, cùng một nhiệm vụ.

Sau hơn 1 tháng trong môi trường quân ngũ, tất cả chiến sĩ đều yên tâm tư tưởng, vui tươi, phấn khởi, sẵn sàng hoàn thành công tác huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Trung tá Mai Thế Bùi, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động cho biết: “Tân binh ngày đầu bước vào môi trường quân đội sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, nên đơn vị cử cán bộ thường xuyên gần gũi, quan tâm đến công tác tư tưởng và kịp thời giải quyết những khó khăn chiến sĩ mới gặp phải. Ngày đầu đón tân binh, đơn vị cũng đã tổ chức cho chiến sĩ tham quan nhà truyền thống, tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao…, qua đó giúp tân binh nắm được truyền thống đơn vị cũng như nội quy, quy định, nền nếp sinh hoạt của quân đội”.

Chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động trong buổi đối thoại với lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội  Biên phòng tỉnh.
Chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động trong buổi đối thoại với lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

 

 

 “Việc thực hiện đối thoại dân chủ nhằm thắt chặt mối quan hệ đoàn kết nội bộ giữa cán bộ - chiến sĩ; giúp chiến sĩ trẻ nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người lính biên phòng và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; đồng thời, còn giúp đơn vị khắc phục những mặt yếu, hạn chế trong công tác huấn luyện, quản lý bộ đội, từ đó xây dựng đơn vị chính quy, hiện đại”

 

 
Đại tá Lê Xuân Đáng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Được biết, một trong những cách làm hay, sáng tạo được Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện trong những năm gần đây là tổ chức đối thoại dân chủ giữa tân binh với lãnh đạo, chỉ huy cấp trên. Được dự một buổi đối thoại, chúng tôi cảm nhận không khí cởi mở, sôi nổi, thân tình giữa các chiến sĩ cũng như giữa cán bộ và chiến sĩ. Những thắc mắc của chiến sĩ trẻ về các vấn đề như: chế độ, chính sách, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; điều kiện để được phục vụ lâu dài trong quân đội; chế độ của quân nhân sau khi rời quân ngũ; tiêu chuẩn để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; chế độ phép, nghỉ tranh thủ đối với quân nhân; chế độ và quân trang dành cho chiến sĩ mới… đều được đại diện các phòng, ban và lãnh đạo đơn vị giải đáp rõ ràng. Riêng các ý kiến, kiến nghị vượt thẩm quyền được tổng hợp báo cáo cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.

Đặc biệt, buổi đối thoại còn là nơi để chiến sĩ trẻ trải lòng về những vấn đề liên quan đến đời sống hằng ngày và nhất là… “chuyện tình người lính”. Ban đầu, các chiến sĩ trẻ còn ngại ngùng nhưng với phương châm “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, cán bộ, chỉ huy các cấp đã tạo điều kiện để các chiến sĩ mới có cảm giác như ở chính ngôi nhà của mình, sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ của bản thân, đời sống riêng tư…

Chiến sĩ Nguyễn Nhật Quang (Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội huấn luyện, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động) cho biết: “Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi chỉ biết đến Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, Bộ đội Biên phòng nói riêng trên những trang sách. Khi bước vào môi trường quân ngũ, được mang trên mình màu áo xanh biên phòng, tôi hiểu sâu sắc hơn, biết rằng người lính biên phòng ngoài nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc còn giúp người dân nơi đóng quân xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, bão lụt, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn; đồng thời còn là những thầy giáo, thầy thuốc quân hàm xanh “đi dân nhớ, ở dân thương””.

Khác với những đơn vị quân đội khác, sau khi kết thúc 3 tháng quân trường, người lính biên phòng còn trải qua 1,5 tháng học tập, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ liên quan đến đặc thù nhiệm vụ biên phòng như: tuần tra, kiểm soát, phòng chống tội phạm… Để bảo đảm công tác huấn luyện chiến sĩ mới đạt kết quả cao, đơn vị đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ huấn luyện; phân công giáo viên đảm nhiệm các nội dung huấn luyện; chuẩn bị đầy đủ, chu đáo mô hình học cụ, thao trường, bãi tập.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.