Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình đồng đội

15:31, 26/04/2017

Đã thành nếp quen, hằng năm vào ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam, những người lính nhập ngũ năm 1975, từng công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh lại cùng hội ngộ và kể cho nhau nghe bao kỷ niệm buồn vui trong cuộc sống… 

San sẻ cùng đồng đội

11 năm về trước, Hội đồng ngũ được thành lập, từ 10 hội viên ban đầu, đến nay Hội đã có hơn 40 người tham gia sinh hoạt. Hầu hết hội viên cư trú trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đều có nguyện vọng chung là gặp mặt, ôn lại những năm tháng gian nan mà anh dũng, đồng thời sẻ chia, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Mong muốn ấy được thể hiện rõ bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa mà họ đã giành cho nhau trong suốt thời gian qua.

Dù chăm chỉ làm lụng, nhưng kinh tế gia đình cựu chiến binh Y Loan Êban (xã Ea Na, huyện Krông Ana) vẫn rất khó khăn. Sẻ chia cùng đồng đội, năm 2012, Hội đồng ngũ đã cho ông vay 8 triệu đồng để trồng, chăm sóc cà phê. Không những thế, đơn vị còn tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tặng vợ chồng ông. Từ ngày có được nơi an cư chắc chắn, đồng đội quan tâm tạo điều kiện, ông Y Loan như được tiếp thêm sức mạnh để nỗ lực làm việc, nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Cùng huyện với ông Y Loan Êban còn có hội viên Nguyễn Công Bất được Hội hỗ trợ vay 14 triệu đồng để phát triển mô hình vườn – ao – chuồng. Từng là một trong những hội viên có kinh tế khó khăn, sau 3 năm có vốn để đầu tư phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình ông Bất khấm khá hơn hẳn.

Đại diện Hội đồng ngũ năm 1975 trao kỷ vật tặng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng.
Đại diện Hội đồng ngũ năm 1975 trao kỷ vật tặng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Hội trưởng Hội đồng ngũ năm 1975 chia sẻ: Từ nguồn quỹ của Hội và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cá nhân, tập thể, chúng tôi đã cho nhiều hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Tuy số tiền chưa phải là nhiều, nhưng đã góp phần động viên đồng đội nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh hỗ trợ về vật chất, Hội còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần đồng đội. Đặc biệt, hầu hết hội viên của Hội là nhân chứng sống trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam, nên các bác không chỉ cung cấp nhiều thông tin lịch sử quan trọng, quý giá cho thế hệ sau, mà còn xác nhận cho nhiều đồng đội bị thất lạc giấy tờ được hưởng đầy đủ chế độ chính sách.

Những kỷ vật “biết nói”

Tại buổi gặp mặt truyền thống mới đây, đại diện Hội đồng ngũ năm 1975 đã trao 3 kỷ vật tặng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Buổi tiếp nhận kỷ vật lịch sử cũng là cơ hội giao lưu giữa các thế hệ của lực lượng biên phòng tỉnh.

Hơn 40 năm gìn giữ kỷ vật là quả lựu đạn và tấm ảnh rút kinh nghiệm sau kiểm tra bắn đạn thật, ông Nguyễn Hồng Sơn bùi ngùi: Chúng tôi thu được quả lựu đạn này trong trận phục kích lính Pôn Pốt ở Đồn 1 (nay là Đồn Biên phòng Ea H’leo), vào ngày 25-5-1977. Sau này, anh em đã vô hiệu hóa quả lựu đạn để làm bật lửa phục vụ sinh hoạt. Còn bức ảnh rút kinh nghiệm sau kết quả kiểm tra bắn đạn thật của chiến sĩ mới được chụp vào tháng 12-1979. Nhìn vào bức hình có thể thấy thời khắc đó mọi người khá vui vẻ với nụ cười rạng rỡ. Cùng với 2 kỷ vật nói trên, chiếc la bàn nhỏ do ông Dương Trọng Thủy hiến tặng cũng có ý nghĩa lịch sử không hề nhỏ. Đây là chiếc la bàn đầu tiên, tháng 5 - 1975 được dùng để xác định tọa độ đóng quân của các đồn biên phòng…

Chiến tranh đã qua, cuộc sống đời thường của những cán bộ, chiến sĩ đồng ngũ năm 1975 vẫn còn đó bao bộn bề, vất vả. Tuy nhiên kỷ niệm về một thời hoa lửa và những kỷ vật được lưu lại như một phần máu thịt đối với nhiều người. Có thể kỷ vật kháng chiến chỉ là một tấm hình, cái la bàn, hay một quả lựu đạn nhỏ, nhưng nó lại trở nên vô giá đối với nhiều người. Sẻ chia lý do vì sao không giữ lại những kỷ vật ấy cho riêng mình, ông Nguyễn Hồng Sơn chân thành, đã đến lúc nên để chúng vào nơi lưu giữ tốt nhất…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc