Tâm tình cùng chiến sĩ
Sâu sát, gần gũi, sẻ chia là những “bí quyết” giúp cán bộ Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2) hiểu, cảm thông, từ đó có nhiều phương pháp hay giúp chiến sĩ tự tin vượt khó, yên tâm học tập và rèn luyện trong môi trường quân ngũ.
Cùng chiến sĩ vượt qua khó khăn
Câu chuyện của Binh nhất Lê Minh Hiệp (Đại đội 6, Tiểu đoàn 8) được tất cả cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8 biết và đồng cảm. Bố mẹ li dị từ khi hai anh em Hiệp còn nhỏ, mẹ Hiệp sống tha hương, bán vé số ở TP. Hồ Chí Minh, để các con lại cho bà ngoại chăm sóc. Thời gian Hiệp tham gia nghĩa vụ quân sự, cũng là giai đoạn cuộc sống của cô em gái thêm khổ cực: bà ngoại qua đời, gia đình người cậu đòi đất ở, đuổi em ra khỏi nhà… Thương em, hằng tháng Hiệp đều tiết kiệm phụ cấp gửi về giúp em trang trải chi phí, học tập.
Cùng Hiệp vượt qua khó khăn, Tiểu đoàn 8 đã kêu gọi cán bộ, chiến sĩ quyên góp, hỗ trợ theo tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Còn chỉ huy Trung đoàn tạo điều kiện để cán bộ Đại đội 6 cùng Hiệp về quê nhằm động viên tinh thần người em, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, giúp đỡ cho em của Hiệp có được nơi ở ổn định để yên tâm học tập. Trung tá Phạm Văn Đạt, Chính ủy Trung đoàn 95 cảm động: Dù sống trong hoàn cảnh đó, nhưng Hiệp đã không gục ngã, mà ngược lại càng mẫu mực, suy nghĩ thấu đáo hơn.
Chỉ huy Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 95) giới thiệu về nhà truyền thống cho chiến sĩ mới. |
Ở Tiểu đoàn 7, nhờ sâu sát, gần gũi mà cán bộ các cấp hiểu rõ hơn tâm lý của chiến sĩ mới nhập ngũ, cùng tân binh “gỡ rối” mọi khó khăn. Đơn cử, ngày mới nhập ngũ, Binh nhì Nguyễn Thành Thế (Trung đội SPG9) cảm thấy ở trong môi trường “kỷ luật thép”, bản thân bị gò bó, không theo kịp đồng đội. “Em thường xuyên nhớ nhà, người thân và không yên tâm thực hiện nhiệm vụ” – Thế trải lòng chân thành. Phát hiện tâm lý bất thường của Thế, cán bộ đơn vị đã gần gũi, hỏi han rồi cùng anh “gỡ rối” tơ lòng. Được đả thông tư tưởng, hết tuần đầu quân ngũ, trông Thế chững chạc vui tươi hẳn, anh còn thủ thỉ với cán bộ sẽ cố gắng rèn luyện để được phục vụ lâu dài trong môi trường này.
Phát huy hiệu quả Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý
Để sẻ chia, giúp chiến sĩ “gỡ rối” mọi khó khăn, Trung đoàn 95 đã thành lập khoảng 30 Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân từ cấp đại đội, trung đội, tiểu đoàn, khối cơ quan đến Trung đoàn.
Cán bộ Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 95) luôn sâu sát, gần gũi với chiến sĩ trong rèn luyện cũng như mọi hoạt động. |
Thời gian qua, các đơn vị đã triển khai nhiều hình thức tư vấn tâm lý, pháp lý sáng tạo và phong phú. Từ chỗ ban đầu chủ yếu tư vấn khi quân nhân có nhu cầu thì nay các thành viên các Tổ tư vấn đã chủ động tìm đến để tư vấn, động viên tư tưởng quân nhân. Với phương châm làm việc: đặt người được tư vấn ở vị trí trung tâm; tôn trọng nhận thức, tình cảm của người được tư vấn; hoạt động tư vấn được tiến hành mọi lúc, mọi nơi… nên các thành viên Tổ tư vấn ngày càng được quân nhân tin cậy, tìm đến gửi gắm tâm tư, tình cảm.
Trung tá Phạm Văn Đạt, Chính ủy Trung đoàn 95.
|
Tròn một tháng quân ngũ, Binh nhì Nguyễn Công Trường (Trung đội SPG9, Tiểu đoàn 7) trông rắn rỏi, chững chạc hơn rất nhiều. Ít ai biết, những ngày đầu nhập ngũ, Trường đã rất vất vả để vượt qua chính mình. Trong tuần đầu tiên, Trường luôn cảm thấy mệt mỏi, nhớ bố mẹ, người yêu nên thường xuyên trốn ra nhà vệ sinh khóc. Phát hiện Trường có nhiều biểu hiện “lạ”, ít hòa đồng, không hoàn thành được nhiệm vụ, thủ trưởng đơn vị đã đến gặp riêng, tâm tình, từ đó, Trường thấy nhẹ nhõm hơn. Anh cho biết sẽ cố gắng rèn luyện thật tốt, không phụ lòng mong đợi của người thân; đồng thời tiết kiệm phụ cấp để gửi về phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống…
Góp phần nâng cao chất lượng tư vấn, giúp quân nhân giải quyết triệt để những vấn đề nảy sinh, Tổ tư vấn còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong và ngoài đơn vị: Chi đoàn, Hội đồng quân nhân, Tổ dân vận, chính quyền địa phương, đơn vị kết nghĩa và người thân, gia đình. Đặc biệt, khi biết quân nhân có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đơn vị đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ chung tay ủng hộ. Trường hợp chiến sĩ có bố hoặc mẹ qua đời, đơn vị cố gắng tạo điều kiện cho cán bộ cùng chiến sĩ về tận nhà. Nghĩa cử ấy không chỉ nhân văn, mà còn góp phần giúp chiến sĩ ổn định tư tưởng, yên tâm gắn bó với nhiệm vụ được giao.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc