Multimedia Đọc Báo in

Tọa đàm, gặp mặt chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Đắk Lắk

15:13, 30/04/2017

Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2017) và 45 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (2-5-1972 - 2-5-2017), sáng 30-4, Liên Chi hội (LCH) chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức buổi tọa đàm, gặp mặt những người đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.

Tham dự buổi gặp mặt có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng hơn 70 cán bộ, hội viên LCH chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm, gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã ôn lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam, ôn lại cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 45 năm về trước. Trong 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972), quân đội Mỹ đã ném xuống đây 328.000 tấn bom (tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử). Trong bối cảnh ấy, quân đội ta vẫn nêu cao quyết tâm chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Sự cống hiến, hy sinh các cán bộ, chiến sĩ đã góp phần làm nên thắng lợi vang dội của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu “mùa hè đỏ lửa" năm 1972 mãi là khúc tráng ca trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Trong 81 ngày đêm đó, đã có gần 16.000 chiến sĩ hy sinh, hiện vẫn còn hơn 8.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt…

Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa trong ngày gặp mặt...

 

... cựu chiến binh Nguyễn Thành Đồng (SN 1951, hiện trú tại phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) kể lại những ngày tháng chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị trong "mùa hè đỏ lửa" năm 1972.

LCH chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Đắk Lắk được thành lập ngày 30-4-2016, là nơi quy tụ cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cách mạng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. LCH hiện có 80 hội viên, sinh hoạt tại 3 Chi hội ở 5 huyện, thành phố. Năm 2016, LCH đã tập trung vào các hoạt động như: thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xây dựng LCH vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đẩy mạnh công tác xã hội, tri ân và nghĩa tình đồng đội...

Bên cạnh đó, LCH tiếp tục tìm kiếm, thu thập thông tin những người đã hy sinh để cùng với các cơ quan, gia đình làm tốt công tác quy tập hài cốt liệt sĩ; động viên thế hệ trẻ xung kích đi đầu trong lao động, chiến đấu, học tập và xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa.

Tại buổi gặp mặt, LCH chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Đắk Lắk cũng đã lập danh sách để thành lập đoàn cán bộ, chiến sĩ về thăm lại chiến trường xưa vào ngày 10-7-2017 tới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ; sự chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước. Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan, ban, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cựu chiến binh hiện còn sống sinh hoạt tại địa phương, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời mong muốn các chiến sĩ từng tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị tiếp tục nêu gương sáng cho con cháu, gia đình và nhân dân nơi cư trú; đóng góp trí tuệ, công sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng quê hương giàu đẹp...

Thế Hùng
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.