Multimedia Đọc Báo in

Hồ bơi nơi biên giới

10:50, 30/05/2017

Mùa hè này, các cán bộ, công nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 (Đoàn 737, Quân khu 5) không còn sợ cái nắng nóng khắc nghiệt của vùng biên giới Ea Súp nhờ công trình hồ bơi di động mà đơn vị vừa khánh thành và đưa vào sử dụng.

Khác với kiểu hồ bơi truyền thống, hồ bơi di động của Đoàn 737 nằm nổi hoàn toàn trên mặt đất. Hồ có kết cấu khá đơn giản, gồm hệ thống khung thép chịu lực, vải bạt tổng hợp nhiều lớp, khi cần thiết có thể tháo rời, gấp gọn, di chuyển rất dễ dàng. Với kích thước, dài – rộng – cao tương ứng là 18 x 9 x 1,6 m, hồ có sức chứa từ 15 – 20 người. Thượng úy Lê Đức Hòa, Trợ lý Tác huấn Đoàn 737 cho biết: “Nguồn nước đưa vào hồ bơi được lấy từ các giếng khoan đã qua xử lý. Ngoài hệ thống máy bơm, bình lọc cát thạch anh chuyên dụng đi kèm, hằng ngày chúng tôi đều cắt cử lực lượng rải men vi sinh, vớt lá cây nên vấn đề vệ sinh rất bảo đảm”.

Tư lệnh Quân khu 5 tham quan hồ bơi trên cạn của Đoàn 737.
Đoàn công tác Quân khu 5 tham quan hồ bơi trên cạn của Đoàn 737.

Trước đó, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã giao nhiệm vụ cho Phòng Tham mưu – Kế hoạch lựa chọn nhân sự, bồi dưỡng, tập huấn công tác cứu hộ, vận hành hồ bơi, mua sắm trang bị, lập kế hoạch, phân chia thời gian bơi cụ thể gửi cho các bộ phận. Với phương châm “Người biết bơi dạy người chưa biết, người bơi giỏi kèm người bơi kém”, chỉ sau gần một tháng, tỉ lệ quân số biết bơi của Đoàn đã tăng lên đáng kể. Trước và sau khi bơi đều kiểm tra quân số, trang bị chặt chẽ. Quá trình bơi luôn có lực lượng cứu hộ, quân y túc trực, sẵn sàng xử trí khi có tình huống xảy ra.

Hết giờ làm việc buổi chiều, Thượng úy Lê Thị Huyền Trang, Trợ lý Chính trị, Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở cùng các hội viên nữ lại tập hợp về khu vực bể bơi, khởi động, rồi hào hứng thả mình vào bể bơi, tiếng cười nói hòa cùng tiếng khoát nước rộn ràng. Từng biết bơi bập bõm nhưng sau hàng chục năm không xuống hồ, Thiếu tá Phạm Thị Hồng Lựu, nhân viên văn thư, bảo mật dần trở nên sợ nước. Được tổ cứu hộ tận tình hướng dẫn, sau hai ngày hoàn thiện kỹ năng bơi… trên cạn, chị đã có thể bơi được một đoạn ngắn dưới nước. “Lúc vừa tiếp nước tôi khá run, chỉ dám men men sát thành hồ, chân tay đập loạn hết lên mà chỉ bơi được một quãng ngắn. Bây giờ tôi đã bơi được gần hết một vòng hồ” - Thiếu tá Phạm Thị Hồng Lựu phấn khởi.

Hồ bơi gồm hệ thống khung thép chịu lực, vải bạt tổng hợp nhiều lớp, dễ dàng di chuyển.
Hồ bơi gồm hệ thống khung thép chịu lực, vải bạt tổng hợp nhiều lớp, dễ dàng di chuyển.

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn đơn vị vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi được ưu ái bơi trước, sau đó mới đến cánh mày râu bởi khí hậu biên giới rất khắc nghiệt, cuối chiều trời vẫn nắng như rang, không phù hợp để chị em phụ nữ tham gia các môn thể thao ngoài trời khác. Chiều nào tôi cũng bơi ít nhất ba vòng hồ, được giải nhiệt trong dòng nước mát lạnh quả thật rất thú vị. Nhờ thường xuyên luyện tập nên vóc dáng ai cũng thon gọn, khỏe khoắn hẳn ra, chất lượng hiệu quả công việc được nâng cao”.

Đều đặn một tuần hai lần, Thiếu tá Nghiêm Xuân Công, Phó trưởng phòng Tham mưu – Kế hoạch lại thu xếp đưa vợ và các con vào đơn vị tập bơi. Nhìn các con tung tăng bơi lội dưới dòng nước trong xanh, anh phấn khởi tâm sự: “Tôi phấn đấu hết hè, phải tập cho các cháu bơi tối thiểu được 200 m trở lên. Trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản về bơi lội khiến tôi phần nào an tâm hơn, bởi trên địa bàn có rất nhiều sông suối, ao hồ”.

Được biết, từ hiệu quả hồ bơi di động của Đoàn 737, vừa qua, Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 đã triển khai cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, tính toán để từng bước triển khai mô hình độc đáo này đối với các đơn vị khác.

                                                                                         Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.