Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc

09:52, 12/07/2017

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc giữa Đắk Lắk và tỉnh Mundulkiri (Vương quốc Campuchia), qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 73 km tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri. Tính đến nay, Đội phân giới cắm mốc hai bên đã phối hợp, khảo sát, cắm được 7/7 vị trí gồm 11 cột mốc chính, cơ bản hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới mà Ủy ban Biên giới Quốc gia của hai Chính phủ giao. 

Để công tác tuyên truyền về phân giới, cắm mốc đạt kết quả cao, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành của địa phương theo “bốn nguyên tắc” (toàn diện, thích hợp, cụ thể, chặt chẽ) và “bốn phương châm” (chân thật, chủ động, kịp thời, sáng tạo).    

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê kiểm tra cột mốc số 42.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê kiểm tra cột mốc số 42.

Đơn cử vào tháng 3-2016, tại lễ kết nạp đoàn viên của 2 huyện biên giới Ea Súp và Buôn Đôn lần đầu tiên được tổ chức tại các cột mốc số 42 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê quản lý, bảo vệ) và mốc đôi số 45 (Đồn Biên phòng Sêrêpốk quản lý và bảo vệ), đại diện các đồn biên phòng đã giới thiệu khái quát về các mốc quốc giới, công tác phân giới, cắm mốc giữa Việt Nam - Campuchia giúp đại biểu tham dự nắm rõ hơn. Bên cạnh đó, nhân Ngày Biên phòng toàn dân, vào tháng 3 hằng năm, Bộ đội Biên phòng tỉnh đều phối hợp với Tỉnh Đoàn huy động lực lượng đoàn viên thanh niên của các huyện, thị, thành đoàn, đoàn lực lượng vũ trang, các trường chuyên nghiệp lên biên giới trực tiếp tổ chức các chương trình, hoạt động: Lễ phát động tháng thanh niên, Đêm hội tuổi trẻ vì biên cương Tổ quốc, phát động cuộc thi Tìm hiểu về biên giới…

Ấn tượng nhất là tại Hội trại tuổi trẻ biên giới diễn ra tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) năm 2014 đã tổ chức giao lưu hữu nghị giữa thanh niên 2 tỉnh giáp biên Đắk Lắk và Mundulkiri, phát động phong trào “Biên giới trong trái tim em”. Từ “cầu nối” của chương trình, các đồn, Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động đã cử cán bộ đến các huyện kết nghĩa để tham dự các buổi gặp mặt, tọa đàm, qua đó tuyên truyền rộng rãi hơn về công tác phân giới, cắm mốc.

 Để huy động sức mạnh toàn dân trong nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, đặc biệt là người dân các xã vùng biên, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cấp phát đề cương tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Êđê) tới tận các thôn, buôn; biên tập tài liệu, băng đĩa để phát trên đài truyền thanh. Ngoài ra, đơn vị còn duy trì nền nếp, chế độ giao ban công tác vận động quần chúng, mỗi quý một lần, luân phiên tại các xã để gắn việc thông tin công tác tuyên truyền về tiến độ phân giới, cắm mốc tới cán bộ, nhân dân khu vực biên giới… Mỗi quý, Đội tuyên truyền văn hóa của đơn vị đều lồng ghép công tác phân giới, cắm mốc thông qua chương trình chiếu phim, biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các xã vùng biên…

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyên phân giới, cắm mốc đến các tầng lớp nhân dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết của nước bạn Campuchia, đơn vị đều tổ chức thăm hỏi, hội đàm, giao lưu văn hóa văn nghệ, tặng quà… Đơn vị thường xuyên tổ chức tuần tra song phương, qua đó thống nhất phương pháp xử lý, giải quyết hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới, bảo đảm đúng nguyên tắc pháp luật của mỗi nước. 

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.