Multimedia Đọc Báo in

Nan giải mối nguy "ô nhiễm" bom, mìn

09:49, 10/07/2017

Sau 5 năm triển khai Dự án rà soát bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, số diện tích được rà soát trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 3,9% so với tổng diện tích cần rà soát. Đây là thách thức không nhỏ đối với công tác khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn.

Mối nguy hiện hữu

Tại Đắk Lắk hiện có khoảng 12.703 ha bị “ô nhiễm” bom, mìn, nằm ở khắp các địa phương. Cơ quan chức năng vẫn nhận được tin báo về việc phát hiện bom, mìn, vật liệu nổ và kịp thời xử lý an toàn, chỉ tính từ năm 2010 đến nay đã phát hiện, xử lý tiêu hủy 6.434 quả bom, mìn và vật liệu nổ. Đơn cử như cuối năm 2016, lực lượng Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã xử lý an toàn hàng trăm quả đạn pháo 105mm cùng hàng trăm ki-lô-gam đạn còn nguyên kíp nổ được người dân phát hiện khi đào cống trên một số tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột. Mới đây nhất, lực lượng Công binh đã tiến hành vô hiệu hóa quả bom nặng 250 kg được người dân thôn Thanh Bình (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) phát hiện khi đào hố trồng tiêu và quả bom nặng 334 kg do người dân thôn 6 (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) phát hiện…

Lực lượng Công binh thu gom, xử lý số bom, mìn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Lực lượng Công binh thu gom, xử lý số bom, mìn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2010 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn bom, mìn, làm 3 người chết, 7 người bị thương. Cụ thể, năm 2014, một người dân buôn Nao A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đi đào giếng bị mìn nổ, gây mù mắt; năm 2010, một người dân trên địa bàn huyện Ea Súp cưa đạn 105mm bị phát nổ, tử vong tại chỗ; năm 2011, cũng trên địa bàn huyện Ea Súp, người dân đi phát rẫy đụng đạn M79 phát nổ, làm 2 người chết, 2 người bị thương; gần đây nhất, năm 2016 hai nạn nhân là anh Lê Minh D. (SN 1987) và anh Lê Thúc H. (SN 1988, cùng trú tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) bị thương nặng do dùng hàn gió cưa bom dẫn đến phát nổ…

Huy động nguồn lực khắc phục hậu quả bom, mìn

Hằng năm, Nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng triển khai các chiến dịch thu gom, rà phá bom, mìn nhằm giải phóng đất đai phục vụ sản xuất, hỗ trợ nạn nhân và tái định cư vùng “ô nhiễm” bom, mìn. Ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, giai đoạn 2010 - 2025 (gọi tắt là Chương trình 504).

Dự án rà soát bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Đắk Lắk được triển khai thực hiện từ năm 2012, trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố, với diện tích 12.703 ha, có tổng mức đầu tư gần 560 triệu đồng, nhưng sau 5 năm mới rà phá được 496 ha, đạt tỷ lệ 3,9%. Nguyên nhân do thiếu kinh phí và đến nay dự án đã tạm ngừng. Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom, mìn chưa được thường xuyên, liên tục nên nhận thức của người dân còn hạn chế, có nhiều trường hợp khi nhặt được bom, mìn vẫn thờ ơ, chủ quan, không giao nộp cho cơ quan chức năng…

Trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh bày tỏ: “Diện tích đất đai bị “ô nhiễm” bom, mìn hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn, trong khi đó trang thiết bị kỹ thuật rà phá còn thiếu; công tác cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân bị bom, mìn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở y tế cấp xã và khu vực “ô nhiễm” bom, mìn còn thiếu thốn về phương tiện, trang thiết bị; nguồn lực bảo đảm cho thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh còn hạn chế, chủ yếu vẫn từ nguồn vốn của Chính phủ. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức liên quan huy động mọi nguồn lực để tiếp tục triển khai công tác rà phá bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn do bom, mìn cho người dân; giúp đỡ có hiệu quả nạn nhân bom, mìn tái hòa nhập cộng đồng…”.

Thiết nghĩ, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao nhận thức và ý thức về hậu quả của bom, mìn. Nếu phát hiện vật thể nghi là bom, mìn, vật liệu nổ thì tuyệt đối không được nhặt hoặc tác động vào nó mà cần phải giữ nguyên hiện trường và báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc