Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng cơ động giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

07:43, 11/09/2017
Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) được Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh xem là nhiệm vụ chính trị trung tâm, cũng là nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trong thời bình.
 
Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 3 đợt mưa lũ, làm chết 2 người, 22.652 ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại ước khoảng 400 tỷ đồng. Hạn hán cũng gây thiệt hại khoảng 90.744 ha cây trồng; trong đó có 8.692 ha bị mất trắng, hơn 35.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, tổng thiệt hại khoảng 3.100 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 đợt mưa lớn trái mùa gây ngập lụt và 15 vụ giông, lốc, sét, mưa đá gây thiệt hại 6.000 ha cây trồng, làm hư hỏng 207 nhà dân, 20 phòng học, ước thiệt hại khoảng 77 tỷ đồng...
 
Nhằm góp phần giảm nhẹ hậu quả của thiên tai, Bộ CHQS tỉnh luôn quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ (CBCS) sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. Với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, vật tư, hậu cần tại chỗ), đơn vị đã tích cực xây dựng lực lượng, đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; tăng cường luyện tập, diễn tập cho các lực lượng chuyên trách, địa bàn trọng điểm; phối hợp thực hiện tốt công tác dự báo và phòng, chống, ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai. 
 
Từ năm 2016 đến nay, LLVT toàn tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt CBCS tham gia 46 vụ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Đơn cử: ngày 26-4-2016, trên địa bàn xã Ea Tyh (huyện Ea Kar) xảy ra trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm tốc mái 17 nhà dân, 1 trang trại chăn nuôi và 1 trường học, Ban CHQS huyện Ea Kar đã huy động 60 CBCS khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả. Ngày 27-6-2016 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, tại các xã Ya Tờ Mốt, Ya Lốp, Ia R’vê (huyện Ea Súp) xảy ra mưa lớn kéo dài, làm ngập 131 căn nhà, hơn 6.000 ha lúa, 2.000 ha ngô, 2.000 ha sắn và nhiều hoa màu khác ngập chìm trong nước, LLVT tỉnh đã huy động 131 CBCS và 111 dân quân cơ động dùng 2 xuồng máy lập tức đến hiện trường cùng chính quyền và nhân dân địa phương đưa được 20 người dân đến nơi an toàn, giúp dân cứu vớt tài sản.  
Bộ CHQS tỉnh tập huấn công tác PCTT&TKCN năm 2017.
Bộ CHQS tỉnh tập huấn công tác PCTT&TKCN năm 2017.
Từ ngày 1 đến 6-11-2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt tại một số địa phương như: Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, Krông Ana, Krông Pắc, Lắk… Bộ CHQS tỉnh đã huy động 1.125 CBCS triển khai lực lượng phối hợp các ngành, đoàn thể, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ các địa phương vùng bị ngập lụt giúp 1.040 hộ dân đến nơi an toàn, cứu vớt hơn 86 tấn lương thực thực phẩm, 8.223 con gia cầm, 2.868 con gia súc, 2 tấn cá… Ngay sau khi tạnh mưa, nước lũ rút, LLVT tỉnh cũng đã nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả như: tổng dọn hơn 130 m3 đất đá, làm 1 cầu tạm, khơi thông 70 m kênh mương, sửa chữa 42 căn nhà, dọn dẹp hơn 11 km đường giao thông…
 
Theo Đại tá Phạm Văn Tú, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, công tác PCTT&TKCN vẫn còn gặp một số khó khăn như: Phương tiện phục vụ công tác chưa thực sự bảo đảm yêu cầu, thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng nên khi có tình huống xảy ra khả năng cơ động xử lý còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống chiếu sáng và thông tin liên lạc của lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn còn thiếu; việc tổ chức lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu khi có tình huống xảy ra còn hạn chế, nhất là ở các địa phương ở xa, có độ chia cắt lớn… 
 
Cũng theo Đại tá Phạm Văn Tú, để đáp ứng nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả khi có tình huống xấu xảy ra, Bộ CHQS tỉnh đã có kiến nghị với UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng 4 bãi đáp máy bay trực thăng (tại huyện Lắk, Krông Bông, Krông Ana và Ea Súp), xây dựng 3 bến hạ thủy ca nô (thôn 14, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp; buôn Tha Luống, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn và thôn 1 xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông).
 
Từ năm 2010 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng được 2.482 Đội thanh niên xung kích tại các thôn, buôn, tổ dân phố; 184 Trung đội dân quân cấp xã, phường, thị trấn; 15 Đại đội dự bị động viên các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng cơ động của Bộ CHQS tỉnh với 228 thành viên để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
 
Thế Hùng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.