Multimedia Đọc Báo in

Trên thao trường vùng biên

07:40, 19/09/2017

Phơi mình giữa cái nắng bỏng rát của vùng biên, cánh lính trẻ Đại đội 2 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp) miệt mài luyện tập với tinh thần “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

Trong bài huấn luyện “Công tác gói buộc balô để vượt sông”, Thượng úy Bế Đại Lực, Trung đội trưởng Trung đội 1 hướng dẫn tỉ mỉ lý thuyết và thực hành với từng động tác mẫu. Mới nghe tên bài tập tưởng chừng rất đơn giản, nhưng để bảo đảm tuyệt đối an toàn về con người, quân tư trang, súng đạn trong khi vượt sông không hề đơn giản. Ngoài bơi giỏi, các chiến sĩ còn phải biết lựa chọn vị trí phù hợp, nắm vững trình tự các bước gói buộc. Chính vì vậy, khi huấn luyện, cả Đại đội tập trung cao độ, chăm chú lắng nghe từng lời giảng, quan sát từng động tác, rồi thay phiên nhau tập luyện trên thao trường. 

Nếu ở bài huấn luyện nói trên rèn cho chiến sĩ sự nhanh nhẹn, cẩn thận thì ở bài tập đổi súng, các anh lại có cơ hội thể hiện sự cơ động, đa năng khi có thể sử dụng nhiều loại súng: tiểu liên AK, trung liên RPD, súng phóng lựu M79… Chỉ huy trung đội vừa dứt lệnh, cả tiểu đội đã chuẩn bị xong vũ khí sẵn sàng làm nhiệm vụ huấn luyện theo tình huống đề ra.

Chiến sĩ Đại đội 2 tham gia huấn luyện bài “Đổi súng”.
Chiến sĩ Đại đội 2 tham gia huấn luyện bài “Đổi súng”.

Đội nắng trưa đi kiểm tra công tác huấn luyện, Thượng úy Đặng Công Tuấn, Đại đội trưởng Đại đội 2 nói vui: “Ở vùng biên này, nắng với bộ đội là bạn, nắng cháy đen da đến mức không thể đen hơn được nữa.” Quả thực, nhờ việc rèn luyện thường xuyên, nghiêm túc nên những người lính trẻ đã vượt qua những bỡ ngỡ ngày đầu nhập ngũ để thích ứng với nền nếp, kỷ luật chung của đơn vị, tích cực luyện tập bất kể nắng mưa, huấn luyện ngày càng thành thục, tình đồng đội ngày càng gắn bó. Để làm được điều này, ngoài việc chuẩn bị giáo án, bài giảng, mô hình học cụ nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, chỉ huy các cấp của Đại đội đã quan tâm sâu sát, gần gũi, nắm bắt tâm tư của chiến sĩ, đề ra những giải pháp thúc đẩy rèn luyện với phương châm “học ngày không đủ, tranh thủ học đêm, học thêm ngoài giờ”.

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, Đại đội 2 còn thường xuyên rèn luyện sức bền, sự dẻo dai cho chiến sĩ bằng việc thực hiện đầy đủ các chế độ trong ngày, tuần; tổ chức huấn luyện thể lực, hành quân dã ngoại; tạo không khí vui tươi ấm áp trong đơn vị qua các hình thức sinh hoạt tổ 3 người, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao… Đơn vị cũng chú trọng việc xây dựng doanh trại, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, hiện đã trồng nhiều loài hoa, cỏ lạc,  1.000 cây gỗ hương, xà cừ, mai và hơn 200 cây ăn trái xung quanh doanh trại; bê tông hóa hệ thống giao thông nội bộ ...

Thượng tá Hoàng Công Sự, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp đánh giá: Mặc dù đóng quân ở vùng biên, khí hậu khắc nghiệt, lại vừa chuyển về doanh trại mới, điều kiện thao trường, bãi tập còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đã nỗ lực khắc phục để bảo đảm tốt nhất cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.