Lính đặc công đa tài
Không chỉ giỏi võ, tác chiến bí mật, táo bạo, đánh hiểm thắng lớn, những người lính của Lữ đoàn Đặc công 198 (Binh chủng Đặc công) còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chất lượng, tính ứng dụng cao.
Trước mỗi mùa huấn luyện, Lữ đoàn Đặc công 198 đều tổ chức lễ ra quân gắn với hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ. Hoạt động này đã phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, góp phần tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong lực lượng. Chỉ riêng đợt huấn luyện năm 2018, toàn đơn vị đã có 19 sáng kiến và 26 cải tiến kỹ thuật, đa phần phù hợp với điều kiện huấn luyện, địa hình, khả năng cơ động tác chiến của bộ đội đặc công.
Là cây sáng kiến của Lữ đoàn Đặc công 198, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phan Văn Hương (Đài trưởng 15W, Đại đội thông tin) sáng tạo nhiều thiết bị hữu ích, được đơn vị đánh giá cao, mới đây nhất là sáng kiến “Bộ biến đổi nguồn thông tin dã ngoại”. Qua quá trình công tác, anh Hương nhận thấy việc sửa chữa máy móc, trang thiết bị bảo đảm thông tin liên lạc gặp một số bất cập, đặc biệt là những khi làm nhiệm vụ diễn tập, dã ngoại xa nhà dân, không có điện lưới. Khó khăn nhất là mùa mưa, việc đốt lửa để nung mỏ hàn rất mất thời gian do mũi nhỏ, độ nóng không giữ được lâu, không chỉ vậy, tính bảo mật trong chiến đấu không cao bởi đốt lửa rất dễ bị lộ. Sau một thời gian nung nấu ý tưởng, anh Hương đã chế bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều 230V. Anh chia sẻ, điểm mạnh của bộ biến đổi này là kết cấu ở dạng vi mạch, không cần cuộn biến áp nên rất gọn nhẹ. Điện năng tiêu hao nhỏ, nhưng điện năng đầu ra lại lớn (230V và 500W) nên người dùng có thể thắp sáng, sửa chữa máy móc thông tin, tiện lợi cho việc dã ngoại, diễn tập.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Phan Văn Hương (bên phải) giới thiệu về sáng kiến "Bộ biến đổi nguồn thông tin dã ngoại". |
Cùng với sáng kiến này, hiện nay, Trung úy QNCN Phan Văn Hương đang tâm huyết tìm tòi, nghiên cứu thực hiện hai sản phẩm mới là “Bộ lọc nước dã ngoại” và “Trò chơi quân sự”. Đầy ắp ý tưởng, từ năm 2011 đến nay, hầu như năm nào anh Hương cũng cho ra đời các sáng kiến có khả năng ứng dụng thực tiễn, chi phí thấp. Nhờ đó, anh luôn đạt giải cao khi tham gia thi cấp Lữ đoàn.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Tư lệnh Binh chủng Đặc công
|
Không chỉ đáp ứng tiêu chí “rẻ, bền, đẹp”, dụng cụ lắp đạn súng tiểu liên AK của Trung úy Ngô Thanh Hải (Mũi trưởng Mũi 1, Đội 5, Liên đội 35) còn gây sự chú ý của nhiều người bởi dễ thực hiện, tiện lợi trong vận chuyển. Trước đây, mỗi lần thực hiện các bài bắn có số lượng đạn nhiều, hoặc chuẩn bị huấn luyện chiến đấu, bộ đội thường lắp đạn bằng tay, khiến công tác chuẩn bị tốn nhiều thời gian. Tận dụng vật liệu sẵn có (gỗ, ván), Trung úy Ngô Thanh Hải đã tạo nên sản phẩm hình chữ nhật, có rãnh, thanh chặn, gờ lắp. Sau khi xếp cố định, một băng đạn với khoảng 30 – 45 viên nhanh chóng được đẩy vào hộp tiếp đạn, mất chỉ khoảng ½ thời gian so với thực hiện bằng tay. Điều đặc biệt là sản phẩm chỉ tốn khoảng 100 nghìn đồng để hoàn thiện với độ tin cậy và bảo đảm an toàn cao. Với nhiều ưu điểm, sáng kiến “Dụng cụ lắp đạn súng tiểu liên AK” của anh Hải đã được Lữ đoàn Đặc công 198 thẩm định, sẽ nhân rộng và lựa chọn dự thi Hội thi sáng kiến, mô hình học cụ do Binh chủng tổ chức thời gian tới.
Trung úy Ngô Thanh Hải (bên trái) giới thiệu các sáng kiến của Liên đội 35. |
Tương tự như các đơn vị trực thuộc khác của Lữ đoàn, Liên đội 20 có nhiều cây sáng kiến trẻ, triển vọng. Riêng mới đầu năm 2018, Liên đội có 4 sáng kiến được Lữ đoàn đánh giá cao: “Hộp vi mạch nhấp nháy ẩn hiện tự động” (Đại úy Bùi Văn Lâm), rất tiện lợi cho việc huấn luyện kỹ thuật bắn súng Đặc công trong điều kiện ban đêm; “Lô cốt thông minh” (Đại úy Phạm Ngọc Tuấn), giúp người huấn luyện dễ kiểm tra và rút kinh nghiệm cho đơn vị; “Ống bơm nước dã ngoại” (Đại úy Bùi Văn Giáp), bảo đảm cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh cho bộ đội trong điều kiện dã ngoại; “Ống phụ và dây mắc tăng võng” (Thượng úy Phạm Văn Tam), bảo đảm việc mắc và thu tăng võng nhanh chóng, võng không bị ướt mưa. Các sáng kiến thuộc nhiều lĩnh vực: bắn súng, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu, huấn luyện công tác hậu cần với vật liệu tiện dụng, tổng kinh phí thực hiện chỉ từ 25 nghìn đồng – 200 nghìn đồng.
Còn rất nhiều “công trình” của lính đặc công được đồng đội cảm phục bởi tính ứng dụng thực tiễn. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc nghiên cứu các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lãnh đạo Lữ đoàn Đặc công 198 luôn động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy hết khả năng của mình. Đại tá Phan Ích Dân, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công 198 cho biết, sau hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ cấp Lữ đoàn, đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, lựa chọn các sáng kiến tiêu biểu, động viên anh em đầu tư, nghiên cứu thêm để tham dự hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ do Binh chủng Đặc công tổ chức thời gian tới.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc