Multimedia Đọc Báo in

"Sao vuông" vượt nắng, thắng mưa

09:13, 31/05/2018

Đến Thao trường 559 (Ban CHQS TP. Buôn Ma Thuột) đúng dịp đơn vị đang tổ chức huấn luyện cho Cụm tự vệ số 7, chúng tôi đã cảm nhận rất rõ tinh thần “vượt nắng thắng mưa, say sưa luyện tập” của các chiến sĩ “sao vuông”.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Tài, Trợ lý Dân quân, Ban CHQS TP. Buôn Ma Thuột cho biết, khóa huấn luyện của Cụm tự vệ số 7 có hơn 200 chiến sĩ đến từ các sở, ngành và một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Trong thời gian gần hai tuần huấn luyện tập trung, các chiến sĩ được trang bị những nội dung cơ bản về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật. Tùy theo đối tượng tự vệ năm nhất hay năm hai trở đi sẽ có chương trình huấn luyện riêng theo đúng quy định.

Trong số các chiến sĩ, người trẻ nhất mới ngoài 20 nhưng người lớn nhất đã hơn 44 tuổi. “Trẻ xông pha, già kinh nghiệm”, việc sắp xếp quân số trong từng tổ, từng tiểu đội, bảo đảm đan xen độ tuổi, vùng miền, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn luôn được các cán bộ quản lý Ban CHQS thành phố tính toán chặt chẽ và phù hợp.

Giờ học chiến thuật của các chiến sĩ tự vệ TP. Buôn Ma Thuột.
Giờ học chiến thuật của các chiến sĩ tự vệ TP. Buôn Ma Thuột.

Với các chiến sĩ năm nhất, học chiến thuật, bắn súng, ném lựu đạn, võ chiến đấu, mắc tăng võng… tuy vất vả nhưng rất vui; khó khăn nhất chính là các tư thế vận động trên chiến trường. Lăn, lê, bò, trườn nếu bất cẩn, làm tắt, tiếp đất không đúng kỹ thuật là cùi chỏ, đầu gối có thể “lĩnh sẹo” ngay. Còn với những “sao vuông sắp đến tuổi hưu” (cách gọi vui của các chiến sĩ tự vệ, chỉ những đồng chí gần hết tuổi tham gia tự vệ) thử thách lớn nhất chính là môn bắn súng. Mỗi buổi tập, chỉ vài lần giương súng là hai tay đã mỏi nhừ, mắt cứ nhòe dần đi. Giữa cái nắng 35 - 37 độ C, lưng áo ai cũng thấm ướt mồ hôi, da đen sạm hẳn đi. Cùng tham gia huấn luyện với các chiến sĩ, những cán bộ, chỉ huy của Ban CHQS các sở, ngành, cơ quan, đơn vị vừa tích cực học mới, ôn cũ vừa tranh thủ rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp, tác phong chỉ huy qua mỗi buổi duy trì ôn luyện, thảo luận, hội thao. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, họ động viên nhau cố gắng thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Chiến sĩ Nguyễn Thị Tốt, nhân viên nhà ăn, Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên vốn rất sợ kim chích, bông băng. Thế nhưng, chỉ sau hai buổi tập, chị đã dần dạn dĩ và bản lĩnh hơn. Hội thao cấp tiểu đội nội dung băng bó vết thương, chị tự tin thực hiện động tác băng vòng xoắn, băng số 8, băng chữ X. Chị Tốt bày tỏ: “Tham gia đợt huấn luyện có nhiều đồng chí là cán bộ, chuyên viên của Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn, được các anh, các chị tận tình chỉ bảo, hướng dẫn nên tôi tiến bộ rất nhanh. Mỗi lần ra thao trường, chị Trần Thị Thu Huyền, cán bộ của Bệnh viện Đa khoa thành phố lại giới thiệu thêm cho tôi những bài thuốc hay từ các loại cây cỏ tự nhiên, rất hữu ích và thú vị”. Còn chiến sĩ Y Trung Niê, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chia sẻ: “Ở cơ quan, ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn tham gia trực ban, trực chiến, tuần tra và diễn tập định kỳ. Lãnh đạo ngân hàng luôn quan tâm, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để chúng tôi yên tâm tham gia huấn luyện. Mỗi người đều có sở trường, sở đoản riêng nên quá trình học tập chúng tôi luôn thường xuyên trao đổi, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Môi trường chính quy, nền nếp và kỷ luật đã rèn luyện chúng tôi ngày một trưởng thành, mọi người rất gần gũi, chia sẻ và hiểu nhau”. Lần đầu tiên được nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm, chị Nguyễn Thị Thùy Uyên, chuyên viên Phòng Hành chính Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk không giấu được niềm vui: “Công nhận các chú bộ đội ngày xưa sáng tạo và giỏi thật. Đêm hôm qua trời mưa to, sáng ra củi tươi, đất ẩm thế mà cho vào bếp vẫn cháy đượm, nấu cơm vừa nhanh lại vừa ngon, bao nhiêu khói cũng tan biến hết. Gần hai tuần tham gia huấn luyện, tôi thấy mình đã trưởng thành, rắn rỏi lên nhiều”.

Trao đổi với chúng tôi sau khóa huấn luyện, Đại úy Huỳnh Duy Nhất và Thượng úy Phạm Nhật Trung, Trợ lý Tác huấn Ban CHQS thành phố, giáo viên bắn súng, chiến thuật nhận xét: “Tuy thời tiết những ngày qua khá bất lợi, song tinh thần, thái độ học tập của các chiến sĩ rất tốt. Học trên giảng đường hay học ngoài thao trường, tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ luôn được phát huy cao độ. Qua kiểm tra kết thúc đợt huấn luyện, có trên 75% quân số đạt khá và giỏi, nhiều đồng chí được tặng giấy khen”.

An Khang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.