Người bắt hồ sơ "lên tiếng"
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, chàng thanh niên Tống Văn Lợi (sinh năm 1981) được nhận vào công tác tại Phòng Hồ sơ - Công an tỉnh. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, anh Lợi nhanh chóng tiếp cận với các ứng dụng, phần mềm của Bộ Công an để nhập dữ liệu và bổ sung thông tin, tra cứu phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Để nâng cao hiệu quả công tác, anh Lợi đã nảy ra ý tưởng điện tử hóa cơ sở dữ liệu nhằm hạn chế các thao tác bằng thủ công, theo dõi dữ liệu trên giấy tờ, sổ sách mất nhiều thời gian và kém hiệu quả. Ngày làm việc ở cơ quan, đêm anh thao thức cùng bàn phím và những số liệu nghiệp vụ, ứng dụng kiến thức đã học để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý. Qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, đến năm 2010 phần mềm đầu tiên của anh được đưa vào ứng dụng và đã được lãnh đạo đơn vị ghi nhận, đánh giá cao, được Tỉnh Đoàn tặng Bằng khen “Đã có công trình, đề tài sáng kiến về quản lý yêu cầu tra cứu phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm”.
Thiếu tá Tống Văn Lợi (bìa phải) được khen thưởng tại Cuộc thi Bí thư Chi bộ giỏi do Công an tỉnh tổ chức. |
Không bằng lòng với thành quả bước đầu, Lợi tích cực học hỏi, nâng cao năng lực công tác, đặc biệt là việc ứng dụng phần mềm Afis của Bộ Công an để nhận dạng vân tay phục vụ công tác truy tìm tung tích nạn nhân, truy tìm thông tin qua vân tay đối tượng để lại hiện trường. Trước đây, để tìm thông tin qua dấu vân tay không dễ dàng, phải mất nhiều thời gian, công sức, nhân lực bởi phải chụp ảnh, tráng phim, rửa ảnh, rồi tập thể cùng phân tích, sàng lọc... Khi anh Lợi ứng dụng phần mềm để điện tử hóa dữ liệu vân tay các đối tượng thì việc truy nguyên dấu vết vân tay tội phạm diễn ra nhanh chóng, chính xác, khoa học hơn, góp phần khám phá thành công nhiều vụ án. Chẳng hạn như trong vụ trộm cắp tài sản xảy ra tại thị xã Buôn Hồ, từ dấu vân tay thu được trên cửa kính mà đối tượng để lại hiện trường, anh Lợi và đồng nghiệp đã nhanh chóng tìm ra thông tin bắt được đối tượng. Hay qua việc tra cứu, trao đổi thông tin với Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Bến Tre, anh đã phát hiện và báo cho Phòng Truy nã, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an tỉnh Bến Tre bắt được đối tượng truy nã nguy hiểm đang làm hồ sơ tư pháp để xin việc trong cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, anh Lợi còn nghiên cứu viết nhiều phần mềm ứng dụng công tác hồ sơ ở các đơn vị Công an tỉnh, góp phần tin học hóa, tăng tốc độ tiếp nhận, quản lý, xử lý, tra cứu, cung cấp thông tin về tiền án, tiền sự, thông tin nghiệp vụ, giúp điều tra viên có căn cứ điều tra phá án đúng người, đúng tội không xảy ra oan sai, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền của trong giải quyết công việc. Đồng thời, anh cũng hướng dẫn anh em đăng ký nộp lưu các loại hồ sơ vụ án, chuyên án và hồ sơ nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát. Tất cả hồ sơ được sắp xếp lưu trữ một cách cẩn thận, khoa học, phục vụ tốt cho việc nghiên cứu, sao chụp, cung cấp tài liệu khi cần, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, công tác tuyển sinh, tuyển dụng và bảo vệ nội bộ... Riêng năm 2017, Phòng Hồ sơ đã tiếp nhận, xử lý, tra cứu, phục vụ xác minh thông tin lý lịch tư pháp 5.574 trường hợp, xác nhận không tiền án 338 trường hợp.
Hiện Thiếu tá Tống Văn Lợi đang là đội trưởng Đội hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Phòng Hồ sơ - Công an tỉnh. Với nhiều thành tích xuất sắc, anh đã được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” và là đại biểu chính thức dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ II tổ chức tại Hà Nội năm 2015.
Trương Nhất Vương
Ý kiến bạn đọc