Multimedia Đọc Báo in

Những liệt sỹ kiên trung của Tổ quốc thời bình

08:00, 24/07/2018
Không phải thời chiến mới có mất mát hy sinh, mà ngay cả thời bình lặng im tiếng súng, vẫn có những người lính ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đến nay đã hơn 4 năm kể từ ngày Trung úy Phan Văn Hạnh hy sinh ngoài đảo Tốc Tan C, hình ảnh anh vẫn in đậm trong trái tim chúng tôi - những đồng đội cùng chung màu áo. Đại tá Nguyễn Văn Sơn, nguyên Chính ủy Căn cứ 696 Hải quân, thủ trưởng của liệt sỹ Hạnh kể: “Hạnh rất nghĩa tình, giao việc gì cũng hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị ai cũng yêu mến”. Còn vợ anh Phan Văn Hạnh, chị Nguyễn Thị Dung nghẹn ngào tâm sự: “Em chưa nguôi ngoai được nỗi đau mất chồng dù đã hơn bốn năm rồi. Mùa xuân 2014, vợ chồng chia tay để anh đi đảo, ai ngờ đó cũng là lần cuối. Em cũng không nghĩ mình sẽ đi bước nữa, vì tình cảm vợ chồng quá sâu nặng. Giờ chỉ có hai mẹ con ở trong căn nhà cũ ngày xưa”.

Anh Hạnh, chị Dung là người cùng quê Yên Thành, Nghệ An. Năm 2007 họ làm đám cưới, một năm sau sinh con gái đầu lòng. Sau khi học xong lớp trung cấp máy tàu tại Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân (TP. Hồ Chí Minh), Hạnh được điều về làm nhân viên thiết bị bờ trạm 94, Căn cứ bảo đảm Hậu cần kỹ thuật 696 – Vùng 2 Hải quân và được phong hàm Trung úy. Chuyến làm nhiệm vụ đầu tiên trên biển của anh là theo tàu trực Tết năm 2013 tại vùng biển nhà giàn DK1. Ngày 27-3-2013, anh về thăm vợ con được 20 ngày rồi nhận nhiệm vụ mới. “Trước yêu cầu nhiệm vụ tăng cường lực lượng cho tuyến đảo chìm, anh ấy được điều động ra Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân nhận nhiệm vụ, rồi đi đảo Tốc Tan C. Hôm chia tay mẹ con, anh còn xoa đầu con gái bảo: “Bố đi rồi sẽ về, con ở nhà chăm cây mít cho nhanh lớn nhé. Ai ngờ đó là lần chia tay cuối” - chị Dung xúc động, nước mắt lưng tròng - “Cây mít đã cao hơn một mét, mà anh ấy thì không còn nữa”.

Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại nhà giàn DK1.
Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại nhà giàn DK1.

8 giờ sáng 17-1-2014, Trung úy Phan Văn Hạnh và đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C trên xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, xuồng của anh chạy quanh đảo kiểm tra đường biên thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lừng cuồn cuộn từ đại dương. Mặc dù đã cố gắng điều khiển chiếc xuồng nhưng gió quá lớn, luồng xoáy chảy mạnh làm xuồng lật úp, Hạnh bị cạnh xuồng đè dìm xuống biển, không thoát ra được. Nhận được tin đồng đội gặp nạn, Chỉ huy đảo đã điều một tổ cán bộ chiến sĩ ra cứu hộ song không còn kịp nữa. Cơn sóng lừng cuồng phong và gió lốc đã nhấn nhìm anh xuống đáy rạn san hô. Ngay sau đó, đồng đội đã đưa thi thể anh vào đảo Tốc Tan C rồi chuyển theo tàu hải quân về cảng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Lãnh đạo Vùng 4 và đồng đội đón anh về Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng và làm lễ truy điệu tại đây. Theo nguyện vọng của gia đình, thi thể trung úy Hạnh được chuyển bằng xe đông lạnh đặc biệt về quê nhà tại Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An an táng.

Cũng đã 4 năm trôi qua, câu chuyện về liệt sỹ Đại úy Dương Văn Bắc hy sinh tại nhà giàn DK1/11 vẫn in đậm trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1.

 Trung tá Nghiêm Xuân Thái chính trị viên Tiểu đoàn DK1 kể lại: 14 giờ ngày 7-10-2014, anh Bắc được Ban Chỉ huy Nhà giàn DK1/11 giao nhiệm vụ kiểm tra hệ thống vật cản dưới sàn cập tàu để chuẩn bị cho sẵn sàng chiến đấu chống biệt kích, người nhái ban đêm. Khi công việc gần hoàn tất thì bất ngờ một cơn sóng lừng dữ dội đánh trùm qua sàn cập tàu, tràn lên mép chiếu nghỉ. Mặc dù Bắc đã bám chặt vào lan can gồng mình chống đỡ, nhưng sức mạnh của cơn sóng đã đánh bật lan can, kéo anh xuống biển sâu. Nhà giàn báo động tìm kiếm, Bắc được các bác sĩ của Viện Quân y 175, bác sĩ Vùng 2 Hải quân cứu chữa, nhưng không còn kịp nữa. Anh đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội.

Bốn năm vẫn chưa đủ thời gian để chị Vương Thị Trâm, vợ của liệt sỹ Dương Văn Bắc nguôi được nỗi đau. Có lẽ vì quá đau thương nên tuần nào chị Trâm cũng chạy xe máy lên thăm mộ chồng. Dẫu cũng chỉ để khóc, nhưng mỗi lần bàn tay chị chạm vào phần mộ, chị cảm thấy nhẹ lòng phần nào và vơi nỗi cô đơn.

Chị Trâm giữ gìn cẩn thận những di vật của anh Bắc đem về từ nhà giàn DK1/11 trong một chiếc rương sắt để dưới bàn thờ. Một chiếc mũ cối, đôi găng tay dùng để kéo gạo mỗi lần chở hàng từ đất liền ra, chiếc bi đông nước, đôi giày cao cổ, cái thắt lưng, chiếc đai cột người rời nhà giàn xuống tàu tránh bão, hai bịch gạo rang anh đem theo để khi say sóng đổ nước sôi vào uống cầm hơi lấy sức. Trong nhiều di vật ấy, có một thứ thiêng liêng mà lần đi biển nào anh Bắc cũng đem theo: tấm thiệp cưới màu hồng.

Chị Trâm kể lại, sau 2 năm yêu nhau, anh chị làm đám cưới. Lúc đi chọn thiệp cưới ở nhà hàng, anh Bắc thích màu xanh nước biển, còn chị thích màu hồng. Anh Bắc bảo chọn thiệp màu xanh nước biển thể hiện sóng nước hải quân, nhưng chị lại thích màu hồng vì cho rằng đó là màu của tình yêu nồng thắm. Chiều ý vợ, cuối cùng anh Bắc đồng ý in thiệp cưới màu hồng. Trước khi đi nhà giàn, anh Bắc cầm tấm thiệp theo bỏ vào ba lô, bảo đem theo cho đỡ nhớ vợ bởi ở giữa biển cô đơn lắm…

Mai Thắng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.