Multimedia Đọc Báo in

̀Những chiến binh xây đảo thời bình

09:43, 25/08/2018
Trong hành trình xây đảo Trường Sa, sát cánh cùng với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh Hải quân là những người lính Trung đoàn 131 (nay là Lữ đoàn 131). Họ được ví như những “chiến binh xây đảo thời bình” làm nên những ngôi nhà mang hình Tổ quốc giữa ngàn trùng sóng nước.
 
“Đại bản doanh” Lữ đoàn 131 đóng quân ở phường 12, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Gọi là “đại bản doanh” nhưng kỳ thực đây là trạm trung chuyển vật liệu, sắt thép; là nơi tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị khác như Lữ đoàn 147 đóng quân ở Quảng Ninh về tăng cường, hoặc từ trụ sở chính của Lữ đoàn đóng quân ở Hải Phòng vào. Nơi đây chứa hàng nghìn tấn đá hộc, hàng trăm tấn sắt, thép để chuẩn bị đưa xuống tàu đi đảo. Chỉ tay vào đống sắt thép nới nhập về, Thiếu tá Đoàn Công Hoạch, Trợ lý hậu cần của Lữ đoàn  nói: “Để bảo đảm chất lượng cho các công trình ngoài đảo, tất cả sắt, thép, đá hộc, xi măng đều được mua tận nhà máy với chất lượng tốt nhất. Tuần nào cũng có tàu đi xây đảo, tuần nào bộ đội cũng bốc sắt, thép, đá xuống tàu”. Trong thời gian ở “trạm dừng chân”, các chiến sĩ được giáo dục chính trị, lý tưởng, tinh thần vững vàng, chấp nhận gian khổ, đặc biệt là tình thương yêu đồng chí đồng đội, hỗ trợ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Vì thế,  nhiều năm qua, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đi xây đảo đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Gian khổ là thế, nhưng cứ nói đi xây đảo là các chiến sĩ xung phong, kể cả khối quân nhân chuyên nghiệp, thế mới lạ chứ”, anh Hoạch cười vui.
 
Ngôi nhà kiên cố do cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 131 xây dựng ở đảo Đá Tây A.
Ngôi nhà kiên cố do cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 131 xây dựng ở đảo Đá Tây A.
Tháng 7-2013, Trung đoàn 131 Công binh Hải quân chính thức nâng cấp lên Lữ đoàn trực thuộc Quân chủng Hải quân. Câu chuyện giữa chúng tôi với Thiếu tá Hoạch không phải về những tấm bằng khen, giấy khen của đơn vị, mà về sự hy sinh thầm lặng của người lính công binh xây đảo. Hơn 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đã có nhiều chiến sĩ của đơn vị hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ xây đảo. Bằng thời gian này 5 năm trước, Thiếu úy chuyên nghiệp Đỗ Hữu Tuấn đã bị một bức tường thành nhấn chìm xuống rạn san hô, khi anh và năm đồng đội gỡ giàn giáo giữa mưa to sóng lớn tại đảo Phan Vinh B. Anh Hoạch ngậm ngùi: “Do đặc thù, tính chất nhiệm vụ của đơn vị thường xuyên tiếp cận với công việc hiểm nguy, sóng gió, bão tố nên không thể lường trước được những bất ngờ xảy ra. Thi công trong lòng biển, bão tố rình rập thì tai nạn là điều không thể tránh khỏi. Mỗi một đồng chí hy sinh là một tổn thất lớn cho đơn vị. Chúng tôi luôn lấy đó là tấm gương về tinh thần dũng cảm để cán bộ chiến sĩ học tập và noi theo”.
 
“Thời chiến cũng như thời bình, bộ đội công binh bao giờ cũng gian khổ. Bây giờ xây đảo có phương tiện, máy móc hiện đại song vẫn phải chuyển đá bằng tay. Bão tố, thường xuyên thiếu nước ngọt, rau xanh thì người lính công binh thời chiến cũng như thời bình vẫn phải đối mặt” – Thiếu tá Đoàn Công Hoạch, Trợ lý hậu cần Lữ đoàn 131.

Không chỉ đối mặt với bão tố, hiểm nguy, cũng như những người lính công tác nơi đảo xa, lính công binh xây đảo cũng phải vượt qua sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Để bảo đảm thay, chuyển quân, vật liệu ra đảo, sĩ quan Lữ đoàn 131 luôn có mặt túc trực tại đơn vị để đón bộ đội từ các đơn vị khác về tăng cường, nhận vật liệu từ nhà máy chuyển đến rồi bốc xuống tàu đưa đi đảo. 15 năm công tác ở Lữ đoàn 131, trung bình mỗi năm Thiếu tá Đoàn Công Hoạch chỉ ở nhà trọn vẹn với vợ con 10 - 15 ngày. Hai đứa con, một đứa 12 tuổi, một đứa lên 7 tuổi chỉ thường xuyên gặp bố qua… điện thoại. Mọi công việc ở quê nhà đều do vợ anh quán xuyến, gánh vác.

Cho đến bây giờ, không chỉ lính “phòng không” mà cả “lính già” ở Lữ đoàn 131 vẫn truyền tai nhau câu chuyện “đêm bay, ngày kia cưới”. Đó là chuyện tưởng chừng như khôi hài song lại được coi là “bài học kinh nghiệm” cho cánh lính “sắp làm chồng” ở đơn vị đặc thù này. Ba năm trước, sau thời gian đằng đẵng ở Trường Sa xây đảo, chiến sĩ Trần Văn Trung theo tàu về đất liền cưới vợ. Trước đó, bố mẹ anh ở Nam Định đã định ngày cưới, phông màn đóng sẵn, khách mời đã xong. Sau gần 4 ngày đêm hành quân từ đảo Phan Vinh B, tàu neo tại bãi Trước Vũng Tàu để vệ sinh, lau chùi vũ khí trước khi cập cảng. Lòng Trung nóng như lửa đốt: nếu nội ngày mai không về kịp thì ngày kia ai làm chú rể? Được phép của chỉ huy, anh phải nhờ xuồng của ngư dân chở vào bờ, rồi tức tốc bắt xe lên sân bay Tân Sơn Nhất cho kịp chuyến bay đêm. Nhưng không phải chiến sĩ nào cũng có niềm vui và may mắn ấy. Như Đại úy Chu Đoàn Ngọc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 884 của Lữ đoàn đang làm nhiệm vụ ngoài đảo Phan Vinh B, được tin bố lâm bệnh mất nhưng không về được. 
 
 
Mai Thắng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.