Multimedia Đọc Báo in

Tình quân dân ở vùng căn cứ cách mạng

08:16, 21/09/2018

"Quân với dân như cá với nước”, điều ấy luôn được cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) và bà con nhân dân địa phương gìn giữ, phát huy, tạo nên sự gắn bó, thân thiết, ân tình bền chặt.

Xã Khuê Ngọc Điền có 1.789 hộ với 7.683 nhân khẩu, nơi đây nổi tiếng với di tích lịch sử Quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền. Dưới những tán rừng thâm u, xanh thẳm cùng chuỗi hang động bí hiểm, cheo leo đã từng là hậu phương, là căn cứ cách mạng của tỉnh nhà trong kháng chiến chống Mỹ. Cùng đi lên từ gian khó, lại giàu truyền thống cách mạng nên tình quân dân ở vùng đất này từ bao đời thật sắt son, gắn bó.  

Dân quân xã Khuê Ngọc Điền tích cực huấn luyện trên thao trường.
Dân quân xã Khuê Ngọc Điền tích cực huấn luyện trên thao trường.

Anh Nguyễn Hoài Quang, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã cho biết, trên địa bàn Khuê Ngọc Điền có dãy Cư Yang Sin và hệ thống sông Krông Ana, suối Krông Kmar. Vốn là vùng trũng nên gần như năm nào, địa phương cũng phải hứng chịu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt. Còn nhớ thời điểm  tháng 11-2016, mưa lớn kéo dài nhiều ngày liên tiếp, nước dâng cao khiến hoa màu hư hỏng trên diện rộng, nhiều gia đình bị ngập sâu cả mét nước.

 
“5 năm qua, tập thể Ban Chỉ huy Quân sự xã là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện; tập thể và nhiều cá nhân được UBND huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng nhiều Giấy khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bề dày thành tích có được ấy luôn có sự đóng góp, giúp đỡ của bà con nhân dân xã nhà”.
 
Anh Nguyễn Hoài Quang, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Khuê Ngọc Điền

Sâu sát, nắm được tình hình địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự xã đã tham mưu, phối hợp, cử lực lượng trực tiếp xuống địa bàn, hỗ trợ bà con di chuyển vật nuôi, lương thực thực phẩm đến nơi khô ráo; dầm mưa khơi thông kênh rạch, đào mương để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra. Mải mê nhiệm vụ, dù biết trước vườn mì đang độ thu hoạch bị ngập úng, hư hại nặng nề; kho lương thực ở nhà ngập chìm trong nước; vợ dại con thơ mỏi mòn chờ… nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn sẵn sàng nhận thiệt thòi về gia đình để tập trung lo cho dân.

Không riêng mùa lũ trên, lực lượng vũ trang xã còn thường xuyên làm tốt công tác dân vận, tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào do địa phương phát động, tiêu biểu nhất là phong trào “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới”. 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã đóng góp trên 3.300 ngày công giúp dân phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy lợi… Những việc làm mà mỗi lần nhắc đến, người trong cuộc cho rằng rất đỗi bình thường, thế nhưng những hình ảnh gần gũi, đẹp đẽ đó luôn in đậm trong lòng người dân. Nghĩa tình của người dân với lực lượng vũ trang địa phương cũng được thể hiện qua những việc làm, hay những “món quà” sâu nặng tình cảm.

Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự xã Khuê Ngọc Điền (thứ 2, bên phải) nhận Giấy khen của UBND huyện trong lễ ra quân huấn luyện 2017.
Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự xã Khuê Ngọc Điền (thứ 2, bên phải) nhận Giấy khen của UBND huyện trong lễ ra quân huấn luyện 2017.

Đơn cử thời điểm trước năm 2010, khi đời sống cán bộ, chiến sĩ địa phương còn hết sức khó khăn, đặc biệt là thiếu thốn về vật chất, kinh phí. Trong thời gian lực lượng quân sự huấn luyện, Hội HLPN xã đã phân công chị em trực tiếp đi chợ, đến tận nhà những người dân có điều kiện trên địa bàn để kêu gọi vận động, hỗ trợ. Những bó rau tươi ngon, hay bát gạo đầy… cứ thế được chuyển ra thao trường mỗi ngày để chuẩn bị cơm trưa với khoảng thời gian 12 – 15 ngày huấn luyện. Nhọc nhằn, khó khăn vô kể, nhưng nhờ tấm lòng thơm thảo của bà con khiến các chiến sĩ như được tiếp thêm động lực, cố gắng làm tròn nhiệm vụ.

Không chỉ hỗ trợ vật chất, do địa phương thiếu thao trường huấn luyện nên nhiều năm qua, người dân vẫn tạo điều kiện cho mượn khoảng đất trống để tổ chức huấn luyện. Luôn là hậu phương vững chắc, năm 2006, khi xã tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, do thiếu nhân lực, vật lực nên đoàn viên, thanh niên của xã tham gia đóng góp công sức chuẩn bị thao trường, đào hầm hào, công sự…

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.