Multimedia Đọc Báo in

Chuyện những người lính "trồng hoa dưới đất, bán hoa trên trời"

08:57, 28/12/2018

Suốt nhiều năm nay, vào đêm giao thừa, hàng vạn người dân phố núi Buôn Ma Thuột lại tụ họp về Quảng trường 10-3 ngắm nhìn những chùm pháo hoa rực rỡ sắc màu “đua nở” trên bầu trời để cùng cầu chúc cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Ít ai biết rằng, để tạo nên những chùm pháo hoa đẹp đẽ ấy là sự vất vả thầm lặng của những người lính “trồng hoa dưới đất, bán hoa trên trời”.

Đại úy Đỗ Anh Chiến, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Buôn Ma Thuột cho biết, mỗi lần bắn pháo hoa, các lực lượng quân sự, công an, y tế, môi trường đô thị… phải xây dựng kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ và phối hợp hiệp đồng với nhau rất chặt chẽ. Những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ bắn pháo hoa đều được tuyển chọn rất kỹ trước khi cử đi đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ.

Để những màn bắn pháo hoa kéo dài 15 – 20 phút diễn ra thuận lợi, đúng kịch bản, bảo đảm an toàn tuyệt đối, công việc mà các chiến sĩ phải triển khai thực hiện là rất nhiều. Thông thường, khoảng trung tuần tháng 12 âm lịch, pháo hoa sẽ được vận chuyển từ Nhà máy Z21 đến bàn giao cho đơn vị. Khu vực cất giữ, bảo quản pháo hoa phải đáp ứng tốt các yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm, phòng chống cháy nổ, luôn có người canh gác nghiêm ngặt, bảo đảm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Bộ đội, dân quân tham gia đấu nối pháo hoa.
Bộ đội, dân quân tham gia đấu nối pháo hoa.

Thông thường, mỗi giàn pháo có 25 ống phóng, mỗi ống phóng có từ 1 – 2 quả, tầm bắn trung bình từ 80 – 100 m, thời gian hoạt động của mỗi giàn pháo dao động từ 5 – 30 giây. Để đấu nối chính xác, các chiến sĩ phải nắm chắc nguyên lý hoạt động, hiểu rõ công dụng, chức năng của từng giàn phóng, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót. Các giàn pháo sau khi đấu nối đều được kiểm tra kỹ càng và cố định lại tránh xê dịch.

Nhiều năm liền tham gia công việc bắn pháo hoa, rất dày dạn kinh nghiệm, song mỗi lần nhận nhiệm vụ, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trịnh Quốc Minh, nhân viên Quân khí đều cảm thấy rất vinh dự, tự hào xen lẫn đôi chút hồi hộp, lo lắng. Theo anh, việc bố trí, liên kết các giàn pháo, cụm giàn pháo, đấu nối dây thực ra không khó vì bộ đội đều được tập huấn, hướng dẫn rất kỹ. Cái khó nhất khi bắn pháo hoa là việc xác định hướng gió, tốc độ gió để bắn cho phù hợp, tránh trường hợp khi kích hoạt pháo bị tạt ngang, "hoa" nở thấp, méo mó, có thể gây nguy hiểm.

Còn pháo thủ số 1, Thiếu tá Nguyễn Như Hoạt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 611, người vinh dự 7 lần được giao nhiệm vụ khai hỏa các giàn pháo chia sẻ: “Bắn pháo hoa ở Buôn Ma Thuột rất khó, bởi mùa xuân cũng là mùa gió, càng về đêm gió càng thổi mạnh. Còn nhớ, năm 2015, khi giờ bắn pháo hoa đã cận kề thì trời bất chợt đổ mưa, các chiến sĩ lập tức triển khai phương án che chắn, bảo vệ các giàn pháo, đợi mưa dứt hẳn mới xin lệnh khai hỏa. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những lần bắn sau chúng tôi đều hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Hai năm gần đây, mỗi lần Đà Nẵng tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố đều cử cán bộ đến tham quan, học hỏi, làm giàu kinh nghiệm cho mình. Nhiều người nói, công việc của chúng tôi giống như những người nông dân, trồng hoa dưới đất nhưng bán hoa trên trời, góp phần mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người nhân dịp đầu năm mới”.

Đại úy Đỗ Anh Chiến (bìa phải) hướng dẫn các lực lượng liên kết các giàn pháo.
Đại úy Đỗ Anh Chiến (bìa phải) hướng dẫn các lực lượng liên kết các giàn pháo.

Khi những màn pháo hoa kết thúc, người dân lũ lượt ra về, cùng gia đình quây quần mừng năm mới cũng là lúc những người lính vừa tạo nên tuyệt tác sắc màu đầy cảm xúc trên bầu trời thầm lặng thu dọn, trả lại nguyên trạng hiện trường để sáng hôm sau mọi người tấp nập du xuân. Không được ăn bữa cơm tất niên bên gia đình, không được chở vợ con đi chợ hoa mua sắm, xem bắn pháo hoa trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới…, hạnh phúc của các anh là được chứng kiến niềm vui ngập tràn của mỗi người dân khi những quả pháo hoa được bắn lên.

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc