Multimedia Đọc Báo in

Người con của buôn làng

08:49, 14/07/2019
Ama Anh là cái tên đầy trìu mến, thân thương mà đồng bào Êđê, Jrai gọi Đại tá Lê Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh. Anh là con nuôi của nhiều già làng, trưởng buôn; là em nuôi của Ama Thin - một mục sư Tin Lành ở huyện Krông Pắc.

Ama Thin là người buôn Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc), từng tham gia Fulrô với cấp bậc Trung tá vào năm 1964. Năm 1985, khi còn là anh chiến sĩ an ninh trẻ mới ra trường của Phòng Phòng chống phản động - Công an tỉnh, anh Sơn được giao nắm tình hình và theo sát Ama Thin. Tiếp cận Ama Thin đã khó, gần gũi với ông lại càng khó hơn chứ chưa nói đến việc thuyết phục Ama Thin nghe theo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Vậy mà chàng chiến sĩ trẻ bằng sự rắn rỏi, lập luận sắc bén và tình cảm chân thành đã lay động cảm xúc và thay đổi suy nghĩ của Ama Thin. Cảm mến, trân trọng tình cảm và con người chiến sĩ công an Lê Văn Sơn, Ama Thin nhận Sơn là em kết nghĩa. Hơn 30 năm nay, Đại tá Lê Văn Sơn đã trở thành người con trong gia đình Ama Thin. Còn Ama Thin đã giúp lực lượng công an rất nhiều trong việc tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ, không nghe theo, đi theo Fulrô, ổn định tình hình địa bàn.

40 năm công tác trong ngành công an thì có đến hơn nửa thời gian Đại tá Lê Văn Sơn cùng sống, cùng ăn, cùng ở với đồng bào. Anh có thể đọc, viết, nghe và nói tiếng Êđê như một người Êđê thực thụ. Anh cũng thành thạo cả tiếng Mnông… Trưởng thành từ một trinh sát an ninh rồi sau này trên cương vị quản lý, dù ở Phòng An ninh xã hội, Phòng Tham mưu, có thời điểm làm lãnh đạo Công an huyện Ea H’leo, Đại tá Lê Văn Sơn cũng đều phụ trách mảng an ninh. Anh tham gia vào nhiều chuyên án lớn đấu tranh với Fulrô vũ trang. Sự hiểu biết, kinh nghiệm và bản lĩnh của anh đã được chứng tỏ qua thành công của nhiều chuyên án, vụ án lớn; những đối tượng cộm cán trong lực lượng Fulrô đã bị anh và đồng đội đấu tranh, thuyết phục.

Đại tá Lê Văn Sơn (bên trái) trong một lần cùng đồng đội xử lý vụ việc khai thác cát  trái phép.
Đại tá Lê Văn Sơn (bên trái) trong một lần cùng đồng đội xử lý vụ việc khai thác cát trái phép.

Những năm 2010, khi làm Trưởng phòng An ninh xã hội, anh Sơn cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã tổ chức hàng trăm buổi phát động quần chúng tại hầu hết các thôn, buôn của 78 xã ở 15 huyện, thị xã, thành phố với hàng nghìn lượt người tham dự. Qua công tác tuyên truyền, vận động, không ít người lầm lỗi nhận ra sai trái, trở lại làm ăn lương thiện cùng gia đình và buôn làng.

Khi phụ trách Công an huyện Ea H’leo – địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, từng là trọng điểm móc nối chỉ đạo của Fulrô gây biểu tình bạo loạn, Đại tá Lê Văn Sơn đã có nhiều cách làm sáng tạo, nhân văn trên tinh thần “Tất cả vì nhân dân”. Thay vì đưa ra kiểm điểm trước cộng đồng hay bắt tạm giam, Công an huyện đề xuất chính quyền địa phương phối hợp tổ chức cho những người từng theo Fulrô vượt biên trái phép tái hòa nhập cộng đồng. Thậm chí, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn đóng góp tiền lương, chia sẻ những khó khăn ban đầu với các gia đình này bằng gạo, muối, dầu…; cho xe ra tận biên giới đón họ về buôn; liên hệ ngân hàng cho bà con vay vốn sản xuất, đề nghị nhà trường nhận con em họ đi học trở lại…

Những việc làm ấm áp, tận tâm ấy đã tạo được lòng tin cho nhân dân. Nay những Kpă Y Nêk, Rchăm Y Pin, R'Ô Phi Ông… đều đã yên tâm làm ăn, con cái đến trường học hành ổn định. Thông qua câu chuyện chân thực của họ, qua vận động của các già làng, trưởng dòng họ, thấy được sự hỗ trợ của chính quyền và công an, trong số 85 trường hợp ra đi nay đã có 35 hộ trở về.

Hai lần được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng (năm 2007, 2017), song niềm tự hào, hạnh phúc của Đại tá Lê Văn Sơn chính là sự đồng cảm, sẻ chia của anh em đồng chí đồng đội, là niềm tin yêu của nhân dân.

 Trường Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.