Multimedia Đọc Báo in

Rộn rã lời ca, tiếng hát trên thao trường

17:53, 26/08/2019

Chúng tôi có mặt tại thao trường huấn luyện chiến thuật của Tiểu đoàn 7 đúng lúc đơn vị vừa nghỉ giải lao. Dưới sự điều hành của đại úy Hồ Quang Trung, Chính trị viên phó Tiểu đoàn, các chiến sĩ trẻ ngồi quây lại theo hình cánh cung, còn phía “dây cung” là các thành viên Ban nhạc đồng đội.

Trong tiếng vĩ cầm, ghi ta bập bùng, rộn rã, liên khúc “1-2-3-4-5” (gồm các bài hát “Một con vịt”, “Hai con thằn lằn con”, “Cả nhà thương nhau”, “Bốn phương trời”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”) tươi trẻ, hồn nhiên được bộ đội đồng thanh hát say sưa. Chương trình văn nghệ càng lúc càng sôi nổi khi các nhạc công liên tục độc tấu, hòa tấu các bản nhạc đi cùng năm tháng, có sức sống mãnh liệt với thời gian.

Phút giải lao trên thao trường của các chiến sĩ Tiểu đoàn 7.
Phút giải lao trên thao trường của các chiến sĩ Tiểu đoàn 7.

Biết chơi violon từ ngày học cấp 2, từng tham gia biểu diễn rất nhiều lần ở trường, ở lớp nhưng chưa bao giờ binh nhì Nguyễn Hồ Minh Tuấn (Trung đội 3) có nhiều “fan” hâm mộ như khi vào quân ngũ. Cùng nhập ngũ với Tuấn ở Tiểu đoàn 7 có nhiều chiến sĩ đánh ghita, cajon, organ hay thổi sáo rất hay song chỉ mình anh chơi được vĩ cầm nên… “đắt sô” hơn hẳn. Anh thường xuyên được các chi đoàn mời đến góp vui trong những đêm sinh nhật đồng đội, diễn đàn thành niên, hái hoa dân chủ, văn hóa văn nghệ cuối tuần. Sở trường là những bản nhạc trẻ, nhạc không lời nhưng Tuấn làm quen với nhạc cách mạng khá nhanh.

Hiện nay, ngoài những bài hát quy định của quân đội, anh có thể độc tấu, hòa tấu thành thạo được nhiều bài khác như “Sợi nhớ sợi thương”, “Bèo dạt mây trôi”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”… Thao trường trên đồi cao nắng chói chang, gió hun hút thổi nhưng mỗi lần anh kéo đàn, cả đơn vị đều chăm chú lắng nghe, bao mệt nhọc như tan biến cả.

Trước khi nhập ngũ, binh nhì Phạm Mạnh Vũ là một thợ hàn có tiếng ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Vì đam mê, anh đã bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc học chơi các loại nhạc cụ như ghi ta, sáo trúc, đàn bầu, kèn harmonica. Am hiểu về nhạc lý, có khả năng biên đạo lại nhanh nhẹn, tháo vát, năng nổ, anh thường xuyên được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao trọng trách hòa âm, phối khí, dàn dựng các chương trình văn nghệ của Tiểu đoàn. Cánh lính trẻ rất thích vẻ ngoài lãng tử của Vũ khi vừa đánh đàn vừa nhịp trống và say sưa hát các ca khúc trữ tình. Dưới sự hướng dẫn của Vũ, sau gần nửa năm quân ngũ, có 8 chiến sĩ từ chỗ chỉ biết “bật bông” nay đã có thể độc tấu, hòa tấu ghi ta hay đệm được một số bài đơn giản.

Với chiếc trống cajon giản đơn bằng gỗ, binh nhì Nguyễn Phan Hải Đăng cũng rất “đắt hàng” trong những giờ văn nghệ. Mỗi lần nghe anh gõ nhịp, cả đơn vị lại lắc lư, rộn ràng, phấn chấn hẳn lên. Quá mê tiếng cajon, nhiều chiến sĩ cũng tự mày mò lấy tôn, lấy gỗ để làm đàn, tuy âm thanh có phần hỗn tạp, chói tai nhưng khi cổ vũ bóng đá, bóng chuyền thì rất hợp. Binh nhì Y Dư Niê vui vẻ bày tỏ: “Trong quân đội, hầu như ai cũng có một vài tài lẻ nên mọi người có thể tự học hỏi lẫn nhau để hoàn thiện bản thân rất tốt. Được hòa mình vào các trò chơi quân sự hay các tiết mục văn hóa văn nghệ đậm chất "cây nhà lá vườn", do chính đồng đội mình biểu diễn giúp chúng tôi thư giãn, nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần để tiếp tục học tập, công tác tốt hơn”.

Thuận An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.