Đồn Biên phòng Sêrêpốk: Giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng biên giới vững mạnh
Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk luôn nỗ lực cùng chính quyền địa phương giúp dân phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.
Đồn Biên phòng Sêrêpốk có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới với chiều dài 12,2 km, đồng thời phụ trách xây dựng địa bàn xã biên giới Krông Na huyện Buôn Đôn. Địa bàn đơn vị đóng quân có 1.475 hộ dân, 5.326 khẩu, trong đó có tới 78% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (51%).
Thời gian qua, tình trạng vi phạm quy chế biên giới, khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm rẫy, trộm cắp tài sản, đánh người gây thương tích, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép ở khu vực biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Trước thực trạng đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk xác định công tác xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ổn định cuộc sống là nhiệm vụ hết sức quan trọng để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Đội công tác Đồn Biên phòng Sêrêpốk giúp bà con buôn Đrang Phốk thu hoạch lúa. |
Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sêrêpốk cho biết, đơn vị đã cử các đồng chí là đảng viên tiêu biểu tham gia sinh hoạt tại 9 thôn, buôn; phân công 17 cán bộ đảng viên của đơn vị phụ trách địa bàn, giúp đỡ 75 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo. Với phương châm "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) để nghe dân nói và nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, các tổ, đội công tác của đơn vị đã triển khai nhiều mô hình kinh tế giúp dân có hiệu quả.
Gia đình chị Mào Thị Thoa (dân tộc Thái, ở buôn Đôn) là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các đội công tác biên phòng giúp đỡ. Chị Thoa cho hay, gia đình chị không có đất sản xuất, vợ chồng chị phải thuê đất rẫy của các hộ dân trong buôn để canh tác, lao động vất vả quanh năm cũng không đủ ăn. Năm 2017 gia đình chị được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 2 con bò giống sinh sản, trị giá 21 triệu đồng, hướng dẫn chị cách chăm sóc và phòng bệnh; mỗi năm 2 con bò giống sinh được 2 con bê, nhờ đó gia đình chị đã thoát nghèo.
Bà H’Nghiệp Knul (dân tộc Êđê, buôn Trí B) sống một mình không nơi nương tựa trong căn nhà sàn ván ọp ẹp, bản thân bị tật không thể đi làm nương rẫy, cuộc sống khó khăn đủ bề. Chính quyền và bà con lối xóm cũng tận tình cưu mang, nhưng cũng chỉ giúp đỡ được ở chừng mực nhất định nên đôi lúc bà H’Nghiệp Knul thiếu gạo ăn từng bữa. Năm 2017, bà được đội công tác Đồn Biên phòng Sêrêpốk hỗ trợ 1 cặp heo nái làm giống trị giá 1,5 triệu đồng và hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh, trồng rau xanh làm thức ăn cho heo. “Nhờ được hướng dẫn cách chăm sóc nên cặp heo của tôi mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 5 đến 7 con. Trừ các khoản chi phí tôi còn dành dụm được khoảng 15 triệu đồng. Giờ tôi không còn thiếu ăn như trước nữa”, bà H’Nghiệp Knul vui mừng bộc bạch.
Đội công tác Đồn Biên phòng Sêrêpốk đến thăm đàn bò của gia đình chị Mào Thị Thoa. |
Buôn Đrang Phốk nằm cách trung tâm xã 20 km, có 130 hộ thì có tới 87 hộ nghèo. Ông Y Tê Bkrông, Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Đrang Phốk cho biết, trước đây bà con trong buôn có thói quen sản xuất du canh, du cư vào rừng phát nương làm rẫy nên thường xuyên thiếu đói, năm nào cũng phải nhận gạo cứu trợ của Nhà nước. Nhưng từ năm 2008 đến nay, các đội công tác của Đồn Biên phòng Sêrêpốk đã giúp bà con trong buôn khai hoang 45 ha tại cánh đồng buôn Đrang Phốk, làm kênh mương thủy lợi, hướng dẫn bà con từ cách gieo sạ, làm cỏ đến khi thu hoạch. Nhờ đó bà con đã đảm bảo được lương thực, không còn thiếu ăn như trước.
Ông Y Tê Bkrông, Bí thư Chi bộ, Buôn trưởng buôn Đrang Phốk
|
Ngoài việc giúp dân xóa đói giảm nghèo, Đồn Biên phòng Sêrêpốk còn nhận đỡ đầu các cháu học sinh trong buôn có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Như hoàn cảnh của cháu Y Phú Mlô (buôn Đrang Phốk), mẹ mất lúc cháu chưa được 3 tuổi, bố bỏ đi biệt tăm, cháu ở cùng ông bà ngoại đã ngoài 60 tuổi. Y Phú Mlô được các chú bộ đội Đồn Biên phòng Sêrêpốk nhận làm con nuôi và đưa về đội công tác địa bàn ở buôn để chăm sóc và nuôi dưỡng. Từ ngày về ở với các chú bộ đội biên phòng, Y Phú đã lớn phổng phao, mạnh dạn, hoạt bát và chuẩn bị vào lớp 1.
Cũng ở buôn Đrang Phốk, trước kia mỗi khi đau ốm bà con trong buôn phải vất vả vượt 20 km mới ra đến Trạm y tế xã. Nay thì khác, ngay tại buôn đã có Trạm quân dân y của Bộ đội biên phòng. Mỗi khi đau ốm, từ già đến trẻ đều được bộ đội khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Những trường hợp bệnh nặng, họ được tư vấn kịp thời chuyển lên tuyến trên điều trị. Các tổ, đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Sêrêpốk còn triển khai mô hình “Tay kéo biên phòng”. Với mô hình này các em học sinh phân hiệu buôn Jang Lành và buôn Đrang Phốk được cắt tóc miễn phí mỗi tháng 1 lần. Trong quá trình cắt tóc, các chú bộ đội còn tuyên truyền để các em học sinh tích cực học tập, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, giữ gìn vệ sinh cá nhân và gia đình. Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bộ đội biên phòng còn tổ chức cho bà con tham gia hội “gói bánh chưng xanh”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”...
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, nhờ có bộ đội biên phòng, bà con xã biên giới Krông Na đã giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Niềm tin yêu của người dân với các chiến sĩ biên phòng ngày càng sâu đậm. Hiện có 12 tập thể, 209 cá nhân và 132 hộ gia đình, các trường học đã tự nguyện tham gia cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thanh Nga
Ý kiến bạn đọc