Multimedia Đọc Báo in

Củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa khu vực biên giới

11:47, 22/05/2020

Cùng với hoàn thành tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, suốt 45 năm xây dựng và phát triển, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tham gia củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới. 

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Đại tá NGUYỄN ĐỨC MẠNH, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh xung quanh vấn đề này.

Đại tá Nguyễn Đức Mạnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Đại tá Nguyễn Đức Mạnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Củng cố hệ thống chính trị cơ sở gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân vùng biên chính là điều cốt lõi, được Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực triển khai bằng nhiều việc làm nhằm xây dựng khu vực biên giới ngày càng phát triển vững mạnh. Xin đồng chí cho biết, chương trình, hoạt động nổi bật nhất của lực lượng trong thời gian qua?

Bên cạnh phối hợp với địa phương, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã ký chương trình phối hợp với 14 sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, triển khai nhiều chương trình thiết thực hướng về biên giới. Trong đó, nổi bật là việc phối hợp với các ngành, đơn vị vận động xây dựng 209 căn nhà cho đối tượng chính sách, người già neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; đưa vào sử dụng 22 công trình dân sinh; tặng hơn 100 con bò giống sinh sản cho các hộ gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn thuộc xã biên giới; phối hợp mở 5 lớp xóa mù chữ cho 161 người dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động 381 học sinh bỏ học trở lại trường; đỡ đầu 42 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhận nuôi 4 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt...

Hằng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, BĐBP đã tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương gói hàng nghìn chiếc bánh chưng, vận động trao tặng hàng trăm suất quà cho học trò nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới.

Ngoài ra, các đơn vị cũng đã xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng và nhân rộng một số mô hình tuyên truyền pháp luật, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Những việc làm thiết thực nêu trên đã mang lại nhiều kết quả tích cực; đến nay trong 4 xã biên giới, có xã Ea Bung (huyện Ea Súp) đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; 3 xã còn lại đạt từ 7 - 13 tiêu chí, trong đó, các tiêu chí có BĐBP trực tiếp tham gia đều đã đạt được; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm khoảng 3 - 5%/năm; hệ thống chính trị cơ sở hoạt động nền nếp, hiệu quả, đời sống nhân dân đã từng bước được cải thiện…

Địa bàn biên giới có rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động khắc phục như thế nào thưa đồng chí?

Tỉnh Đắk Lắk có đoạn biên giới dài hơn 73 km tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia, khu vực biên giới của tỉnh có 51 thôn, buôn trên 4 xã thuộc 2 huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp, là nơi chung sống của 26 dân tộc. Trong 4 xã biên giới có 1 xã được hình thành, phát triển cơ bản từ dân số tại chỗ, 3 xã còn lại được hình thành, phát triển trên cơ sở chủ trương di dân xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng, an ninh (nhân dân các tỉnh phía Bắc và tỉnh Bến Tre) và dân di cư tự phát từ các vùng, miền trong cả nước, từ đó tạo nên những sắc thái văn hóa da dạng, phong phú. Các xã biên giới có diện tích rộng, dân cư phân bố không tập trung và đều cách xa các đồn biên phòng. Do khí hậu, thời tiết khu vực biên giới của tỉnh khắc nghiệt, mặt khác, nhân dân đến từ các vùng, miền khác nhau chưa quen với phương pháp canh tác mới nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống chính trị ở cơ sở ban đầu đã được hình thành, song hoạt động chưa hiệu quả, nhiều thôn chưa có đảng viên, chưa có tổ chức đảng; tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu còn tồn tại; việc chấp hành quy chế biên giới, chấp hành pháp luật, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp…

Đại tá Nguyễn Đức Mạnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh (đứng thứ ba từ trái sang) kiểm tra công tác bảo vệ biên giới ở khu vực Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê.  Ảnh: Ngọc Lân
Đại tá Nguyễn Đức Mạnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh (đứng thứ ba từ trái sang) kiểm tra công tác bảo vệ biên giới ở khu vực Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê. Ảnh: Ngọc Lân

Để khắc phục những khó khăn trên, BĐBP tỉnh đã phối hợp tăng cường cán bộ xuống cơ sở, bằng việc cử 4 cán bộ tăng cường cho 4 xã biên giới, giới thiệu 59 đồng chí đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt tạm thời tại 51 chi bộ thôn, buôn, phân công 75 đảng viên phụ trách 334 hộ gia đình, thực hiện “3 bám, 4 cùng”. Cùng với việc tham mưu cho địa phương thực hiện các mục tiêu trong triển khai xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, BĐBP đã phối hợp triển khai thực hiện chương trình 8 xóa, tập trung tham mưu cho địa phương tăng cường đảng viên xuống các thôn, buôn; phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng viên, đặt ra mục tiêu 100% các thôn, buôn có chi bộ; đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn để nhân dân thích nghi với sinh hoạt, phương pháp canh tác mới, từng bước ổn định cuộc sống, loại bỏ dần một số tập tục lạc hậu.

*Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ làm gì để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được?

BĐBP sẽ tiếp tục tham mưu cho địa phương thực hiện các chủ trương của Đảng, tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với địa phương bố trí, tăng cường cán bộ xuống cơ sở đảm bảo thực chất, hiệu quả; làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc; duy trì thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với các ngành, hướng về biên giới bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực; triển khai nhân rộng các mô hình, việc làm giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Lực lượng sẽ tích cực tham mưu cho địa phương củng cố, xây dựng cơ sở chính trị, phát huy hơn nữa vai trò của các cấp, các ngành ở địa phương và nhân dân, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Quỳnh Anh (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.