Multimedia Đọc Báo in

Thiêng liêng cột mốc biên cương

15:23, 27/08/2020
Với đặc trưng địa hình biên giới phía Bắc, nhiều mốc giới nằm ở những vị trí hết sức hiểm trở, mà từ việc xây dựng đến bảo vệ cột mốc đều rất đỗi gian nan. Vì vậy mà hành trình đến thăm cột mốc càng thêm ý nghĩa.

Trong số gần 2.000 cột mốc suốt tuyến biên giới Việt – Trung, rất nhiều cột mốc nằm trên non cao chót vót, cao nhất là cột mốc 79 ở cao độ gần 3.000 m, trên vùng "yên ngựa" của đỉnh núi Phàn Liên San thuộc tỉnh Lai Châu; còn một cột mốc nằm giữa mênh mông sông nước là cột mốc 1378 ở mũi Sa Vĩ thuộc tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay đường sá đã được đầu tư, mở mang nâng cấp rất nhiều, nhưng do đặc điểm địa hình nên đường đến nhiều cột mốc vẫn rất hiểm trở, hành trình chinh phục quãng đường phải tính bằng ý chí, bằng cảm quan lịch sử chứ không phải bằng khoảng cách số ki-lô-mét thông thường.

Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang hướng dẫn du khách tham quan cột mốc biên giới.  Ảnh: Duy Tiến
Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang hướng dẫn du khách tham quan cột mốc biên giới. Ảnh: Duy Tiến

 

Trong chuyến lên thăm cột mốc trên cao điểm 1.509 (tỉnh Hà Giang), mới lên đến dãy núi 660 tôi đã không khỏi cảm giác rợn ngợp khi men theo con đường xoáy ốc quanh co sườn núi, ngẩng mặt nhìn hút tầm mắt cũng chỉ thấy đỉnh núi mờ xa. Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy – Hà Giang cho hay, đây mới chỉ là đoạn khởi đầu, đường lên còn gian nan lắm, nhưng dù sao đi lại cũng thuận tiện hơn trước nhiều. 

 
Để xây dựng hệ thống mốc giới trên suốt tuyến đường biên dài hơn 1.400 km, chiến sĩ phải băng rừng lội suối, vượt qua biết bao núi non hiểm trở, đèo cao, vực sâu nguy hiểm, có những nơi chon von đỉnh núi, không phương tiện nào tới nơi được, chỉ có cách cõng từng viên gạch, từng bao xi măng, rẽ cây bám đá mà trèo lên. Khó mà kể hết nhưng gian khó, những hy sinh mất mát khi bao năm ròng phải vượt qua địa hình hiểm trở, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng cháy da, khi giá rét, sương mù, băng tuyết, đối mặt với hiểm nguy khi nhiều nơi bom mìn còn sót lại…
 
Đặt chân lên đường biên, chạm tay vào mốc giới, có ai không rưng rưng xúc động, không cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của hai từ  Tổ quốc, mà  bao lớp cha anh đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
 
 

So với việc xây dựng cột mốc trên non cao, việc xây dựng cột mốc 1378 trên cửa sông ở mũi Sa Vĩ (tỉnh Quảng Ninh) cũng gian nan không kém. Từ bờ kè biên giới nhìn ra xa cột mốc hiện lên như một chấm nhỏ giữa biển trời mênh mông, nhưng mang ý nghĩa lớn lao trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Mốc xây dựng trên hòn Dậu Gót, nơi có nền đất yếu, khi thủy triều lên hòn chìm sâu dưới mặt nước nên ta phải đào sâu tận nền đá gốc, xây dựng bệ trụ cao hơn chục mét, sau đó mới xây mốc trên bệ trụ, để khi thủy triều mức cao nhất cũng không ngập được mặt cột mốc. Người dân nơi đây đã sẵn lòng giúp bè mảng chở vật liệu ra tận nơi, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần để xây dựng cột mốc.

Có thể nói, mỗi cột mốc đều khắc ghi bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ đi trước trong quá trình bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, trở thành biểu tượng giàu ý nghĩa nơi biên cương Tổ quốc. Nơi ấy, các chiến sĩ biên phòng ngày đêm không quản nắng mưa, gió bão đều có mặt tuần tra, canh gác để giữ cho từng tấc đất quê hương không bị xâm phạm.
 
Nơi vút ngàn non cao hay mênh mông sóng nước, mỗi cột mốc đều trở nên gần gũi thân thương trong tâm thức mỗi người dân đất Việt. Rất nhiều tour, tuyến tham quan du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc gắn với tham quan cột mốc biên giới đang thu hút du khách, không chỉ là trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn có ý nghĩa giáo dục về địa lý, lịch sử, nhất là với thế hệ trẻ.
 
Mặc dù các cột mốc được xây dựng theo quy cách chung về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, nhưng đến tận nơi tìm hiểu sẽ biết thêm những điều thú vị, như cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải (tỉnh Điện Biên), nơi giáp ranh 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc có 3 mặt hướng về 3 nước hay cột mốc đôi khi biên giới chạy qua sông đánh số chẵn lẻ, cột mốc chính thì trên bề mặt khắc Quốc hiệu bằng chữ viết của hai nước cùng số hiệu cột mốc và năm cắm mốc, trên cột mốc đại có gắn thêm Quốc huy của hai nước…
 
Mỗi cột đá hoa cương, mỗi nét mực khắc trên cột đá ấy đều hiển hiện sống động tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc. Tình yêu ấy tiếp lửa cho mỗi người trên hành trình đến với biên giới, nối gần những tuyến đường, kéo hẹp những khoảng cách địa lý và nâng cao những khát vọng tươi đẹp về cuộc sống thanh bình.
Hoa Hồng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.