Multimedia Đọc Báo in

Tự hào Công an nhân dân Việt Nam!

14:20, 27/08/2020
 
“Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc” là câu nói được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII vào ngày 11-3-1948. Đó chính là dấu mốc Người đặt tên, đồng thời khẳng định nguồn gốc, bản chất của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
 
 “Công an của ta là công an nhân dân”, ngay từ trong tên gọi đã cho thấy mối quan hệ máu thịt giữa công an và nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an dù ở vị trí công tác nào cũng phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo 6 điều Bác Hồ dạy, gắn bó mật thiết với nhân dân, nêu cao tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện hách dịch, sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ là bổn phận và trách nhiệm cao quý của công an. Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân đã xây dựng được hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an anh dũng, kiên cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. 
Nữ chiến sĩ công an tham gia diễu hành tại Hội thi điều hành, bắn súng, võ thuật CAND năm 2019. Ảnh: Duy Tiến
Nữ chiến sĩ công an tham gia diễu hành tại Hội thi điều hành, bắn súng, võ thuật CAND năm 2019. Ảnh: Duy Tiến

 Đó là hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy không quản hiểm nguy lao vào giữa ngọn lửa cứu tính mạng, tài sản của nhân dân; là hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông giữ trật tự an toàn giao thông bất chấp trời nóng gay gắt của mùa hè hay cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông; là hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát khu vực luôn gần gũi, thân thiết quan tâm tận tình tới công việc của nhân dân...  Đó còn là biết bao cán bộ, chiến sĩ công an đã quên mình trên mặt trận thầm lặng, dũng cảm lao vào hang ổ bọn tội phạm, lưu manh côn đồ để chiến đấu giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, trong đó nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên trận tuyến đấu tranh phòng chống tội phạm. Những cống hiến và hy sinh của mỗi chiến sĩ công an chính là tấm gương sáng thôi thúc quần chúng nhân dân đồng lòng chung sức tham gia vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giúp đỡ lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ. 

Quan điểm xây dựng lực lượng Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của Bác đã trở thành tư tưởng chỉ đạo chiến lược về xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Thấm nhuần lời dạy của Người, lực lượng công an đã không tiếc máu xương chiến đấu kiên cường, dũng cảm bảo vệ an ninh của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. 
 
Công an nhân dân phải “dựa vào nhân dân mà làm việc”, ấy là mục tiêu, yêu cầu đối với công an nhân dân. Theo Bác, nhân dân có lực lượng vô cùng to lớn, nghìn tay, nghìn mắt; là cội nguồn của mọi thắng lợi trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Dựa vào nhân dân là điều kiện tiên quyết giúp lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ. Sinh thời, Bác từng dạy: Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi tay…
 
Trong khi đó “Bọn phản động không bao giờ muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, công an phải luôn luôn cảnh giác, ngăn ngừa những hành động phá hoại của chúng để bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng”. Chính vì vậy, “mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng, thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng”. Theo Người, “Dựa vào nhân dân mà làm việc” là một phương pháp hoạt động quan trọng của lực lượng công an, đó chính là biện pháp vận động quần chúng.
 
Cội nguồn mọi niềm vui, thắng lợi đều xuất phát từ sự giác ngộ chính trị sâu sắc: Công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ; nhân dân là chỗ dựa vững chắc để thực thi nhiệm vụ và toàn lực lượng chỉ hoàn thành tốt chức trách một khi ý thức “tận trung với nước, tận hiếu với dân” thấm vào máu thịt từng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam.
Thiếu tá Nguyễn Thị Huệ 
(Công an phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.