Multimedia Đọc Báo in

Những nhà nông áo lính

06:06, 10/01/2021

Do tính chất công việc, chẳng riêng ngày thường, ngay cả những ngày nghỉ Tết, các cán bộ, nhân viên Trại giống Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 (Quân khu 5) vẫn phải luân phiên “trực chiến”, tuần tra canh gác, cắt cỏ, dọn chuồng, tưới rau, nấu cám, chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh, sẵn sàng hộ sinh, đỡ đẻ cho đàn vật nuôi lên đến hàng trăm con.

Lấy cuốn sổ theo dõi lịch tiêm phòng, phối giống của đàn vật nuôi và chỉ cho chúng tôi xem các vị trí đã được khoanh tròn bằng mực đỏ rất cẩn thận, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trương Văn Nam, Phó Trại trưởng Trại giống cho biết: “Mọi thông tin liên quan đến đàn vật nuôi đều được chúng tôi ghi chép rất cụ thể, khi cần là tra cứu được ngay. Với 22 con bò chửa, 15 con heo nái, gần 60 con dê sinh sản và rất nhiều gà, vịt, ngan, ngỗng đẻ, dự kiến trong dịp Tết năm nay, đàn gia súc, gia cầm của đơn vị sẽ tăng thêm đáng kể. Bất kể ngày hay đêm, khi thấy vật nuôi có dấu hiệu chuyển dạ, chúng tôi đều phân công, cắt cử lực lượng thường xuyên theo dõi, túc trực, sẵn sàng can thiệp, hỗ trợ chúng khi cần thiết.

Cán bộ Trại giống kiểm tra sức khỏe đàn dê con.
Cán bộ Trại giống kiểm tra sức khỏe đàn dê con.

Các cán bộ, nhân viên Trại giống thường tếu táo: Do “nhà có con mọn” nên quanh năm suốt tháng chẳng khi nào họ được thảnh thơi. Để đàn vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được bộ đội quan tâm, đặt lên hàng đầu. Anh Nguyễn Hoài Nam, nhân viên thú y chia sẻ: “Việc tiêm phòng, vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại được chúng tôi tiến hành rất thường xuyên, khoa học. Con đực, con cái, con chửa, con non, con hậu bị đều có khu vực nuôi nhốt riêng để tiện theo dõi, quản lý và chăm sóc. Trước cửa chuồng nuôi đều có các hố vôi để đàn gia súc nhúng chân, khử khuẩn, hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và lở mồm, long móng. Mỗi ngày đàn vật nuôi sẽ được ra ngoài tắm nắng, kiếm ăn, chạy nhảy từ 1 - 2 lần”.

Từ kiến thức, kinh nghiệm thực tế, quá trình chăm sóc, cán bộ, nhân viên Trại giống sẽ từng bước đánh giá, sàng lọc, chọn ra những con giống tốt để phát triển đàn vật nuôi ngày một đông hơn. Chỉ vào con bò cái lông màu vàng sậm, Thượng úy Vũ Văn Tiên, nhân viên trại giống hào hứng kể: “Con này mắn đẻ lắm, mỗi năm một lứa, đều như vắt chanh. Để bê con sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, trước ngày “ở cữ”, bò mẹ sẽ được nuôi nhốt tại chuồng, ăn uống tẩm bổ, hạn chế tối đa việc chăn thả, vận động mạnh hoặc bị các con khác tấn công gây động thai. Khi thấy bò mẹ có dấu hiệu chuyển dạ sinh con, chúng tôi sẽ thay nhau túc trực kiểm tra, theo dõi, quét dọn vệ sinh, che mưa, chắn gió, lót ổ và sẵn sàng hỗ trợ, cắt dây rốn, bóc móng để khi mới bắt đầu tập đi bê con không bị té ngã. Với những trường hợp thai ngược, đẻ khó, có khi chúng tôi phải thức thâu đêm để hộ sinh. Vất vả bao nhiêu cũng được, chỉ cần thấy chúng “mẹ tròn, con vuông”, hay ăn chóng lớn là vui lắm rồi. Nếu chăm sóc tốt, khoảng 2 - 3 tháng sau sinh, bò mẹ sẽ động dục và có thể mang thai trở lại”.

Được chăm sóc chu đáo, đàn bò của Trại giống mỗi năm một nhiều hơn.
Được chăm sóc chu đáo, đàn bò của Trại giống mỗi năm một nhiều hơn.

Công việc bận rộn, cứ lặp đi lặp lại như một quy trình khép kín nên với cán bộ, nhân viên Trại giống, Tết cũng như ngày thường. Nhớ đêm 30 Tết năm nào, khi cả trại đang quây quần mừng đón giao thừa thì cả bò lẫn dê thi nhau “đòi đẻ”, niềm vui như được nhân đôi. Thương anh em vất vả, sau lễ chào cờ đầu xuân, lãnh đạo chỉ huy Đoàn 737 và cán bộ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị vẫn thường ưu tiên đến Trại giống xông đất đầu tiên. Mỗi năm làm lợi cho đơn vị và địa phương hàng tỷ đồng, Trại giống đã góp phần không nhỏ vào sự đổi thay của Khu Kinh tế - Quốc phòng Ea Súp hôm nay.

Trọng Khang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.