Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách khắc phục hạn chế của hoạt động giám định tư pháp

09:43, 26/10/2010

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 1958/CT-TTg ngày 25-10-2010 về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Trước tình trạng tồn tại một số “điểm nghẽn” trong công tác giám định tư pháp như: hệ thống tổ chức giám định tư pháp chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất của các tổ chức giám định, nhất là ở cấp tỉnh đa phần còn thiếu, lạc hậu; đội ngũ người giám định tư pháp còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; một số trường hợp kết quả giám định tư pháp chưa thật sự chính xác, khách quan khiến việc giải quyết 1 số vụ án trọng điểm bị kéo dài,... Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, nắm rõ về số lượng và chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; lựa chọn, thu hút các chuyên gia giỏi để bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho người làm giám định tư pháp. Để khắc phục một bước tình trạng thiếu hụt giám định viên hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần có giải pháp thích hợp sử dụng những giám định viên đã nghỉ hưu theo chế độ, có trình độ chuyên môn cao, đủ sức khỏe và tự nguyện tiếp tục làm công tác giám định. 

Trước ngày 30-6-2011, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ ngành liên quan phải ban hành các quy trình giám định, quy chuẩn chuyên môn trong các lĩnh vực pháp y, xây dựng, kỹ thuật hình sự, tài chính – kế toán, môi trường, rừng… ; trước ngày 31-12-2011, phải xây dựng và ban hành phí giám định tư pháp. Thủ tướng cũng yêu cầu trước 31-12-2010, phải công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ, ngành và trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp danh sách các tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính - kế toán, khoa học kỹ thuật, văn hóa và các lĩnh vực khác để tạo thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ ngành tăng cường quản lý Nhà nước về giám định tư pháp và nghiên cứu, xây dựng Luật Giám định tư pháp.

Hồng Thủy (nguồn: CTTĐT Chính phủ)

 


Ý kiến bạn đọc