Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch điện VII : Hướng đến mục tiêu cung cấp đủ năng lượng phục vụ phát triển kinh tế -xã hội và dân sinh

16:02, 04/08/2011
Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII). Mục tiêu của Quy hoạch nhằm cung cấp đủ nhu cầu điện để phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống xã hội. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 vào khoảng 194 đến 210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330 đến362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695 đến 834 tỷ kWh.

Giảm dần hệ số đàn hồi

điện
Thủy điện đóng góp đáng kể vào sản lượng điện cả nước
Thay đổi lớn nhất trong Quy hoạch điện VII là giảm dần hệ số đàn hồi giữa tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện và GDP từ 2 lần hiện nay xuống còn 1,5 lần vào năm 2015 và tiếp tục giảm xuống bằng 1 vào năm 2020. Để đảm bảo sản lượng điện phục vụ sản xuất và đời sống, giai đoạn 2016-2025, cả nước sẽ phải đầu tư thêm tổng công suất nguồn điện khoảng 62.376 MW. Điều đó không chỉ giải tỏa đáng kể áp lực về nguồn vốn đầu tư mà còn giúp giải bài toán nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện.
Riêng nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt công suất nguồn khoảng 10.400 MW, sản xuất khoảng 66 tỷ kWh điện, chiếm tỷ trọng 20% sản lượng điện sản xuất; đến năm 2030 có tổng công suất khoảng 11.300 MW, sản xuất khoảng 73,1 tỷ kWh điện, chiếm tỷ trọng 10,5% sản lượng điện.

 Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo

Với mục tiêu chú trọng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) cho sản xuất điện, Quy hoạch điện VII yêu cầu tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo ở mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Cụ thể, tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000MW vào năm 2020, khoảng 6.200MW vào năm 2030; Tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200MW hiện nay lên 17.400MW vào năm 2020; đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành năm 2020 và đến năm 2030, nguồn điện hạt nhân sẽ đạt công suất 10.700MW, sản xuất được khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).
 
Với mục tiêu đến năm 2015 có 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, Quy hoạch điện VII cũng chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cấp điện cho khu vực nông thôn (đặc biệt là các xã ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với lưới điện quốc gia). Giai đoạn 2011- 2015, đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377.000 hộ dân nông thôn. Giai đoạn 2016- 2020, đầu tư cấp điện lưới cho 200.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231.000 hộ dân nông thôn

Tìm lời giải cho bài toán vốn đầu tư

Việc thực hiện Quy hoạch điện VII sẽ khó khăn hơn vì mặt bằng giá mới đòi hỏi vốn để đầu tư một nhà máy điện sẽ cao hơn.
 
Theo Quy hoạch, tổng vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 cần khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình khoảng 4,88 tỷ USD/năm). Trong đó, 619,3 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư nguồn (chiếm 66,6%), 210,4 nghìn tỷ đồng đầu tư lưới (chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư).
 
Việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh với cơ chế điều chỉnh giá điện dần tiếp cận với thị trường là một trong những lời giải quan trọng cho bài toán khó về vốn. Quy hoạch điện VII cũng đề ra giải pháp từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành điện; phát triển các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao để giảm gánh nặng huy động vốn; tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước, thực hiện liên doanh trong và ngoài nước nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng phát triển các dự án điện; thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành điện nhà nước không cần giữ 100% vốn; tăng cường thu hút vốn FDI, các nguồn vốn viện trợ, vốn vay thương mại nước ngoài...

Giá điện sẽ điều chỉnh lên 9 UScents/kWh

Một trong những mục tiêu quan trọng trong thời gian tới là thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Quy hoạch điện VII yêu cầu thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát. Giảm dần tiến tới bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền. Thực hiện biểu giá điện theo mùa và theo vùng. Giá điện được điều chỉnh dần từng bước để đạt 8 - 9 UScents/kWh đến năm 2020 nhằm bảo đảm cho ngành điện có khả năng phát triển bền vững. Nhà nước chỉ nắm độc quyền hệ thống truyền tải, còn các mảng kinh doanh khác của ngành điện thì mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia.

Cùng với giải pháp cơ cấu lại ngành điện để nâng cao hiệu quả, Chính phủ cũng đặt ra các giải pháp liên quan như: Giải pháp về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực; bảo vệ môi trường; phát triển khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt là giải pháp xây dựng và phát triển ngành cơ khí điện và nội địa hóa với mục tiêu tự chế tạo 60-70% thiết bị nhà máy nhiệt điện than, 40-50% thiết bị điện hạt nhân vào năm 2030.

Nếu thực hiện thành công nội dung của quy hoạch điện VII, Việt Nam sẽ giảm được đáng kể áp lực về cung ứng điện đảm bảo cân đối cung cầu điện cho đất nước.

H.H ( Nguồn: CTO)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.