Multimedia Đọc Báo in

Về thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên

06:42, 01/09/2013

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, đối với chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp thì được xét nâng một bậc lương.

 Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng lương thường xuyên gồm: thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động; thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc).

Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên

Ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện về thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh quy định, Thông tư quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn phải đạt đủ 2 tiêu chuẩn trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên.

Đối với cán bộ, công chức, cần đáp ứng 2 tiêu chuẩn: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Đối với viên chức và người lao động, phải được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

Một số trường hợp bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên

Theo Thông tư, trường hợp cán bộ bị kỷ luật cách chức, công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức; viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức thì sẽ kéo dài thời gian nâng bậc lương trong 12 tháng.

Kéo dài 6 tháng đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, viên chức và người lao động bị kỷ luật cảnh cáo…

Kéo dài 3 tháng đối với viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách…

Thông tư 08 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2013.


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.