Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ
Mục tiêu của Đề án là tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, học tập, phục vụ trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ phù hợp đối tượng người sử dụng ở từng đơn vị, địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp nhiều cơ hội cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được học tập thường xuyên.
Hướng dẫn người dân truy nhập Internet tại Thư viện tỉnh. Ảnh:N.Hoa |
Cụ thể, đối với hệ thống thư viện công cộng, đến năm 2020 sẽ cải tạo, nâng cấp trụ sở, cơ sở vật chất Thư viện tỉnh thành một thiết chế văn hóa gần gũi, thân thiện, đáp ứng yêu cầu bạn đọc; xây dựng thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật số. Thư viện tỉnh, 100% thư viện cấp huyện, 50% thư viện cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ truy cập Internet miễn phí; thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng thư viện, tra cứu, tìm kiếm thông tin, tri thức; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các vấn đề mà cộng đồng quan tâm. Phấn đấu số lượt người sử dụng thư viện công cộng hằng năm tăng bình quân 10 – 15%; tỷ lệ người dân trên địa bàn sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm hiểu kiến thức nâng cao hiểu biết đạt 10 – 15%; số lượng sách, báo, tạp chí có chất lượng được bổ sung cho hệ thống thư viện công cộng tăng hằng năm từ 10% trở lên; số lượng học sinh, sinh viên đến với hệ thống thư viện công cộng tìm hiểu kiến thức phục vụ học tập đến năm 2020 đạt từ 70% trở lên. Định kỳ tổ chức cuộc thi “Thiếu nhi kể chuyện theo sách” cấp xã, huyện, tỉnh; tổ chức các hoạt động đa dạng nhân “Ngày sách Việt Nam 21-4”, “Ngày sách và bản quyền thế giới 23-4”, giới thiệu sách mới, giao lưu với tác giả, quyên góp sách, báo, tạp chí tặng thư viện các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đối với hệ thống bảo tàng, phấn đấu thu hút số lượt khách nội địa tham quan bảo tàng hằng năm tăng bình quân 10%; phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai thực hiện tốt nội dung giới thiệu di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh và các địa phương… Đối với hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ, phấn đấu 100% các thiết chế văn hóa từ tỉnh tới cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn nghệ thể thao, vui chơi, giải trí phục vụ mục đích nâng cao kiến thức hiểu biết cho người dân; 60% cư dân khu vực thành thị, 40% cư dân khu vực nông thôn tham gia các hoạt động tại nhà văn hóa, câu lạc bộ; duy trì xây dựng mô hình, mẫu hình văn hóa, văn nghệ…
Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp thực hiện như: nâng cao năng lực tổ chức hoạt động học tập suốt đời cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm việc trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; đổi mới phương thức hoạt động tuyên truyền về học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; củng cố cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa phương thức hoạt động, phát triển mạng lưới thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động học tập, dịch vụ phục vụ học tập phù hợp với đối tượng ở từng địa phương; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền về học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; tăng cường giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế; ban hành các chính sách đối với các tổ chức, cá nhân ngoài công lập tham gia xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện các hoạt động học tập suốt đời cho người dân đạt hiệu quả…
Hải Như
Ý kiến bạn đọc