Multimedia Đọc Báo in

Nghệ sĩ Ưu tú Y San Alio: Cánh chim không mỏi giữa đại ngàn

10:14, 14/04/2010

“Để trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp là cả một quá trình khổ luyện đầy gian truân và khắc nghiệt. Thế nhưng, múa lại là một nghề có tuổi thọ thấp. Diễn viên múa bước vào tuổi 30 có thể xem là đến tuổi “hưu”. Chứng kiến những gì mà các nghệ sĩ múa trải qua trên sàn tập, chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng sự đánh đổi ấy thật nghiệt ngã. Nhưng nghệ sĩ múa đã bất chấp tất cả để được sống hết mình với niềm đam mê…”, đó là lời tâm sự của NSƯT Y San ALio.

Niềm đam mê nghệ thuật cháy mãi không ngừng
Từ thuở còn cắp sách tới trường cho đến bây giờ đầu đã hai thứ tóc nhưng niềm đam mê nghệ thuật trong ông vẫn không ngừng, những động tác múa giờ đây không còn uyển chuyển nữa nhưng ông vẫn đang ngày đêm miệt mài với công tác biên đạo để truyền đạt lại niềm đam mê của mình cho thế hệ trẻ. Ông từng nói đùa rằng: còn sống trên cuộc đời này thì còn múa, múa cho đến khi trái tim không còn đập nữa thì thôi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Buôn Đôn. Mặc dù cả gia đình không có ai đi theo con đường nghệ thuật, nhưng cơ duyên khiến ông bắt đầu sự nghiệp múa từ rất sớm (lúc mới 15 tuổi). Thời gian đầu công việc của ông chỉ đơn giản là theo Đoàn ca múa nhạc dân tộc của tỉnh học hỏi kinh nghiệm, sau đó 1 năm ông được “tạm tuyển” vào Đoàn và không thể ngờ chỉ một năm sau, chàng trai trẻ ấy đã bứt phá mạnh mẽ. Biết mình hình thể không được “chuẩn”, dáng vóc không được to khỏe cho nên Y San đã phải tập luyện vất vả hơn các bạn rất nhiều. Những ngày đầu tập luyện gian nan vất vả, đã có lúc ông muốn từ bỏ nghiệp diễn nhưng những lúc ấy niềm đam mê nghệ thuật trong ông lại trỗi dậy, lại lao vào tập luyện. Sau đó không lâu, năm 1990 ông được cử đi học tại Trường múa Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt cuộc đời, chính thức đi vào nghề múa chuyên nghiệp.

 

Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ
Trong những năm qua vinh quang đã liên tục đến với Đoàn Ca Múa dân tộc Dak Lak - đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp mà những thập kỷ 80-90 của thế kỷ XX đã từng được giới chuyên môn đánh giá là “một trong 6 đơn vị nghệ thuật mạnh của cả nước”. Trong những thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của NSƯT Y San, bên cạnh những vở diễn do chính ông dàn dựng như tác phẩm múa Đing Tăk tar, ông còn là một nghệ sĩ sáo vỗ (đing buôt pah) bậc nhất khi chính ông đã giành giải Vàng độc tấu sáo vỗ tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc (2003). Mới đây, tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) năm 2009 chủ đề “Cội nguồn - Khát vọng” - Chương trình tham gia của Đoàn Ca múa dân tộc Dak Lak với chùm ba tác phẩm múa Đing Tăk tar do chính ông làm biên đạo, đó là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc dân gian (tiết tấu cồng chiêng, nhạc cụ tre nứa…), không khí lễ hội truyền thống với phong cách biểu diễn sôi động và thấm đẫm hơi thở của cuộc sống hiện tại, một sự “dàn dựng” đầy sáng tạo mới lạ. Không chỉ mới lạ về ngôn ngữ múa, về hình thức dàn dựng, mà còn cả về trang phục, thiết kế sân khấu. Lần đó Đoàn Dak Lak vinh dự được đứng thứ 5 trong 8 đoàn được Huy chương Vàng toàn đoàn; giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc dành cho NSƯT Y San Alio; Huy chương Bạc cho múa Đing Tăk tar (Biên đạo Y San) - đó là niềm hạnh phúc ngọt ngào nhất trong đời nghệ sĩ của Y San. Đoàn Ca múa dân tộc Dak Lak đã thực sự cất cánh bay lên, mang về thêm nhiều vinh quang, khẳng định thành công của các nghệ sĩ tỉnh nhà.
Ông cho biết: chuyến xuất ngoại đầu tiên của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc là vào năm 1986 để tham dự Liên hoan Silôphôn (bộ gõ) châu Á tại Thái Lan, đây là lần đầu tiên thế giới biết đến cồng chiêng Tây Nguyên. Kể từ đó đến nay những âm hưởng đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên đã vang vọng khắp nơi trên thế giới. Và điều ông cảm thấy tự hào nhất là đã mang những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Tây Nguyên huyền thoại đến với đồng bào và bạn bè khắp năm châu. Ông luôn coi đó là niềm vinh dự do nghiệp diễn mang lại, là cây tre già trong nghệ thuật múa Solis (múa ít người), được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007 vì đã có cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Với tuổi 50 không còn trẻ nhưng vẫn chưa già, ông vẫn còn miệt mài với công việc của một biên đạo. Những điệu múa của ông đã làm lay động biết bao nhiêu người, khơi dậy trong lòng họ niềm đam mê với nghệ thuật múa của người Tây Nguyên.
Bây giờ với cương vị là Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak nhưng ông luôn tự nhủ: khi mới vào nghề, bản thân đã được lớp đàn anh đi trước hướng dẫn, tạo điều kiện cho vừa học, vừa làm và trưởng thành; giờ thì làm được gì cho lớp trẻ thì ông luôn sẵn sàng. Được tham gia giảng dạy, truyền lại kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho các đàn em, ông cảm thấy rất hạnh phúc.

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc