Những kỷ niệm với nhà thơ Nguyễn Mỹ
Nhà thơ Nguyễn Mỹ sinh ngày 21-2-1935 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Anh lớn hơn tôi 3 tuổi, hồi còn học ở trường Trung học địa phương, anh học trên tôi 2 lớp, rồi xung phong nhập ngũ vào quân đội trước tôi 1 năm. Trong chiến dịch AtLăng đầu năm 1954 chống thực dân Pháp xâm lược, anh và tôi cùng chiến đấu ở chiến trường tỉnh Phú Yên.
Các nhà văn miền Trung - Tây Nguyên đặt hoa viếng nhà thơ Nguyễn Mỹ (Ảnh: T.L) |
Nguyễn Mỹ
Cuộc chia ly màu đỏ
|
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, chúng tôi cùng tập kết ra Bắc. Đến năm 1959, anh và tôi lại cùng tham gia chiến đấu ở chiến trường Xiêng Khoảng (Lào). Có lần tôi bị thương, anh có đến Trạm xá mặt trận thăm tôi và tặng tôi nửa kg đường cát trắng để bồi dưỡng sức khỏe. Hoàn thành xong nhiệm vụ đơn vị về nước đóng quân ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. Chúng tôi cùng ở Sư đoàn 324, tôi thuộc Trung đoàn 90 đóng quân ở Đồi Hao, còn anh ở Trung đoàn 14, đóng quân ở Đồi Si, cách nhau chừng 4 km. Thỉnh thoảng, vào những ngày chủ nhật, chúng tôi vẫn thường gặp nhau khi đi dạo phố Chợ Rạng, hoặc trong những lần được Phòng Chính trị Sư đoàn triệu tập về để viết tin bài cho tờ tin của Sư đoàn trong một đợt tuyên truyền nào đó.
Năm 1960, tôi được cử đi học lớp bồi dưỡng văn hóa của Bộ Tư lệnh Pháo binh, rồi lớp sĩ quan ở Trường Sĩ quan pháo binh trong hơn 3 năm. Tốt nghiệp ra trường, tôi về làm phóng viên Báo Quân Khu ba, rồi về Tổng Cục Chính trị làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Khi đang ở chiến trường miền Nam, tôi được tin anh Nguyễn Mỹ cũng đã vào chiến trường Liên khu V với vai trò là phóng viên mặt trận của báo Cờ giải phóng Trung trung bộ. Nhưng vì mỗi người làm nhiệm vụ ở mỗi chiến trường khác nhau nên chúng tôi không có cơ hội gặp nhau. Sau này tôi mới biết tin anh Nguyễn Mỹ đã hy sinh ngày 16-5-1971 trên bờ sông Dak Ta, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam vì bị địch phục kích trong lúc đang đi công tác cơ sở.
Anh Nguyễn Mỹ bắt đầu có thơ đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1957. Mặc dù tác phẩm để lại không nhiều, nhưng chỉ với bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” (năm 1964), Nguyễn Mỹ đã được nhiều thế hệ đọc giả yêu mến, ngưỡng mộ. Bài thơ dù viết về chuyện chia tay ra trận nhưng không hề ủy mị, vẫn nhuần nhị tinh tế tình yêu quê hương, đất nước và tràn đầy niềm tin. Màu đỏ của cuộc chia ly trong thơ Nguyễn Mỹ đã trở thành một biểu tượng của một thời hào hùng…
Sau này, Nguyễn Mỹ là một trong những người được truy tặng đợt đầu “Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” và “Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật” với các tác phẩm: “Trận Quảng Cau”, “Thơ Nguyễn Mỹ”, “Nguyễn Mỹ nhà thơ chiến sĩ”.
Phần mộ của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ tại nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My vẫn luôn thắm tươi sắc đỏ của những đóa hoa.
Ý kiến bạn đọc