Dạy và học Truyện Kiều trong trường phổ thông: Của chung...là của mấy người?
14:50, 04/06/2010
… Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung…
Câu Kiều trên trích trong đoạn “Trao duyên” được Bộ GD-ĐT chọn giảng trong chương trình Ngữ văn lớp 10 THPT.
Duyên này thì giữ, vật này của chung…
Câu Kiều trên trích trong đoạn “Trao duyên” được Bộ GD-ĐT chọn giảng trong chương trình Ngữ văn lớp 10 THPT.
Ở phần đầu của đoạn trích, Nguyễn Du đã diễn tả khá thành công diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong đêm trao duyên. Để cô em gái “chịu lời”, nàng từ giãi bày, van nài, kể cả hạ mình trước mặt em: “Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Thế là chuyện nhà tạm ổn, bố và em trai đã được cứu, Thúy Vân đã nhận lời lấy Kim Trọng thay Kiều. Duyên đã trao, cuối cùng Kiều mang “kỷ vật” trao lại cho em gái. Chưa bao giờ Kiều thấy bối rối, lúng túng, tội nghiệp như lúc này. Nàng buột miệng nói với em: “duyên này thì giữ, vật này của chung”. Bao nhiêu đau đớn, ê trề dồn vào hai tiếng của chung ấy”. “Của chung” là của mấy người? Có câu hỏi trắc nghiệm đã yêu cầu đánh dấu vào một trong ba phương án sau đây: A: một người, B: hai người, C: ba người. Kỷ vật là của hai người, Kiều yêu Kim Trọng, kỷ vật là minh chứng thiêng liêng của tình yêu. “Của chung” là của ba người (Kim Trọng, Thúy Vân và cả Thúy Kiều). Kiều không thể không nói ra tiếng lòng thổn thức, tiếng nói của tình cảm, của con tim nhưng lại là tiếng nói rất chân thật: chị trao duyên cho em nhưng vẫn yêu Kim Trọng. Điều hết sức vô lý ấy lại là điều hợp lý, hợp logic của cuộc sống. Với Thúy Kiều, Kim Trọng là mối tình đầu, không dễ gì nguôi ngoai được. Điều đó cũng cắt nghĩa cho sau này, dù ở đâu, sống với ai, mỗi khi trông áng mây bay, trông ngàn dâu xanh xanh, Kiều lại nhớ quê nhớ nhà, nhớ người thân, trong đó có chàng Kim. Ngay cả khi rơi vào chốn lầu xanh, phải sống cảnh “dập dìu lá gió cành chim/ sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”, bản thân nàng “tan tác như hoa giữa đường”, Kiều vẫn cứ thấy thương cho Kim Trọng: “Phẩm tiên rơi đến tay hèn/ Thà công nắng giữ mưa gìn với ai/ Biết thân đến kiếp lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”. Thúy Kiều trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân là một cô gái Trung Quốc. Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là một cô gái Việt Nam, rất “Việt Nam”. Nguyễn Du quả là cây bút bậc thầy trong việc xây dựng tính cách nhân vật.
Phạm Tư Hương
Ý kiến bạn đọc