Multimedia Đọc Báo in

Các nhà văn, nhà thơ đã được “cứu” bản thảo như thế nào?

09:05, 16/08/2010

Một số nhà văn, nhà thơ lúc đương thời do công việc, bận rộn hoặc đãng trí mà để bản thảo vương vãi đây đó. May mà nhiều bản thảo được người thân của các nhà thơ, nhà văn nhặt nhạnh, lưu giữ cẩn thận, rồi sau này tập hợp lại và xuất bản, trở thành những tác phẩm giá trị.

Điển hình là 3 tập thơ di cảo của cố thi sĩ Chế Lan Viên. Sau khi ông mất (19-6-1989), vợ ông là nhà văn Vũ Thị Thường đã tập hợp các bài thơ di cảo của ông, trong đó “Di cảo thơ tập 1”, NXB Thuận Hóa 1992, đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trường hợp khác là nhà văn Xuân Đức ở Quảng Trị. Theo lời nhà văn Nguyễn Quang Lập kể: “Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt ở miền đất lửa Quảng Trị, nhà văn Xuân Đức đã viết tập tiểu thuyết Cửa gió gồm 2 tập bản thảo dầy tới 1 gang tay. Nhà cháy, không thèm cứu thứ gì, bà vợ đã xả thân vào lửa ôm cho được tập bản thảo mà chạy” (Theo báo Tiền Phong số Tết Nhâm Ngọ, trang 29). Tiểu thuyết “Cửa Gió” gồm hai tập do NXB Hội Nhà văn in các năm 1980, 1982 và được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1984.
Sau đây là trường hợp nhà thơ “cứu” một bài thơ. Thời kỳ còn học tiểu học, Trần Đăng Khoa có tên là Trần Cải viết bài thơ “Con bướm vàng”. Bản thảo bị vứt vung vãi, lúc quét nhà, bà mẹ nhà thơ “gom” mang nhóm bếp, nhà thơ Trần Nhuận Minh phát hiện liền giữ lại. Nhờ vậy, bài thơ này “thoát chết”, sau được in trong tập thơ đầu tiên của Trần Đăng Khoa “Góc sân và khoảng trời”.
Còn nhiều những trường hợp tương tự, như vợ nhà văn Nguyễn Minh Châu giữ bản thảo của chồng như giữ một vật báu; các nhà văn, nhà thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội giữ gìn bản thảo thơ của Phùng Khắc Bắc để có “Một chấm xanh”, sau được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.

 Lê Hồng Thiện (st-bs)

 


Ý kiến bạn đọc